MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lấy lại mặt bằng đất công bị các hộ chiếm giữ trước đồi cát bay Mũi Né

PHẠM DUY LDO | 09/08/2022 08:02

Bình Thuận – Sau ngày đầu tiên Chi cục Thi hành án dân sự TP.Phan Thiết phối hợp với lực lượng chức năng cưỡng chế thi hành án, tháo dỡ công trình xây dựng của các hộ dân không trả lại mặt bằng đất công sau khi hết hạn thuê ở trước Đồi cát Mũi Né, một số hộ đã tự nguyện dọn dẹp đồ đạc rời khỏi khu vực cưỡng chế.

Ngày 9.8, Chi cục Thi hành án dân sự TP.Phan Thiết (Bình Thuận) phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục cưỡng chế thi hành án tại khu đất do những hộ dân không trả lại mặt bằng sau khi hết thời hạn thuê để bàn giao cho Ban quản lý khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né. Việc cưỡng chế 9 hộ dự kiến kéo dài đến ngày 11.8.

Tại nơi cưỡng chế thi hành án. Ảnh: DT 

Trong ngày đầu tiên thi hành cưỡng chế (ngày 8.8), một số hộ đã tự nguyện dọn dẹp đồ đạc rời khỏi khu vực, cũng có vài hộ không hợp tác.

Lực lượng Thi hành án đo đạc. Ảnh: DT 

Ngoài thuê nhân công để tháo dỡ phần mái nhà và đồ đạc, còn có xe tải gắn cẩu để cẩu những vật khối lượng lớn. Lực lượng thi hành án tổ chức đo đạc, lập biên bản tỉ mỉ.

Một căn nhà bị tháo dỡ. Ảnh: DT 

Theo hồ sơ, năm 2003, UBND TP.Phan Thiết có quyết định về phương thức huy động vốn đầu tư cơ sở hạ tầng Khu du lịch đồi cát bay Mũi Né bằng phương thức đấu thầu, cho thuê mặt bằng đối với các hộ có nhu cầu kinh doanh nước giải khát và dịch vụ.

Rất nhiều nhân công được thuê để tháo dỡ công trình xây dựng của các hộ chiếm giữ đất. Ảnh: DT 

Năm 2004, Ban Quản lý du lịch Hàm Tiến - Mũi Né ký hợp đồng với các hộ kinh doanh cho thuê mặt bằng trước đồi cát Mũi Né với thời hạn 10 năm (đến năm 2014). Sau đó, cho 23 hộ dân thuê gia hạn thêm 3 năm (đến năm 2018) hết hạn phải trả lại mặt bằng. Tuy nhiên sau khi hết hạn, hầu hết các hộ thuê đều không chịu trả lại mặt bằng như hợp đồng đã ký và cam kết.

Các vật dụng được đo đạc để lập biên bản. Ảnh: DT 

Năm 2019, Ban quản lý khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né đã khởi kiện ra tòa đòi lại đất. Trải qua 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, cuối cùng TAND tỉnh Bình Thuận đã tuyên buộc 11 hộ dân trong số các hộ thuê đất, phải trả lại mặt bằng cho nhà nước. Mặc dù bản án đã có hiệu lực, nhưng các hộ dân vẫn không trả đất cho nhà nước mà tiếp tục chiếm giữ để làm quán kinh doanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn