MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ quan chức năng đang kiểm đếm, đo đạc số cây thông bị chặt hạ tại khu rừng thuộc thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh PV

Liên tiếp các vụ phá rừng thông ở Lâm Đồng để chiếm đất

Phú Sơn LDO | 12/09/2018 19:06

Thời gian gần đây, nhiều cánh rừng thông hàng chục năm tuổi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bị các đối tượng ngang nhiên tàn phá. Theo cơ quan chức năng địa phương, mục đích của việc làm sai trái này nhằm chiếm đất sản xuất nông nghiệp.

Rừng bị tàn phá gần trụ sở ủy ban

Cuối tháng 8.2018, sau khi báo chí phản ánh tình trạng rừng thông bị tàn phá, cơ quan chức năng huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện rừng tại tiểu khu 216, lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng, bị lâm tặc tàn phá trái phép.

Tại hiện trường, có hàng trăm cây thông bị cưa hạ, nằm ngổn ngang trong rừng. Để xóa dấu tích, các đối tượng gom nhiều lóng gỗ từ 1-4m chất thành từng đống để đốt, thay thế gốc thông bị đốn hạ bằng hàng loạt hố trồng các loại cây mới như dổi, lát hoa...

Điều đáng nói, khu vực rừng thông bị tàn phá tại lô d, khoảnh 6, tiểu khu 216, lâm phần do Ban QLRPH Phi Liêng quản lý, nằm gần trụ sở UBND xã Phi Liêng, tỉnh Lâm Đồng. Theo thống kê, tổng diện tích rừng bị phá trái phép trên 39.800 m2. Trong đó, diện tích rừng bị phá và đã trồng các loại cây gỗ dổi, lát hoa là hơn 24.500m2, diện tích còn lại có 1.015 cây thông đã bị cưa hạ, trong đó 187 cây rừng tự nhiên, 828 cây thuộc rừng trồng năm 1997; số cây bị ken gốc, đổ hóa chất gây chết đứng và đang chờ chết là 556 cây, tổng số gỗ thiệt hại hơn 158 m3. Một cán bộ đang công tác tại Ban QLRPH Phi Liêng cho biết, bước đầu cơ quan chức năng nhận định các đối tượng phá rừng nhằm lấy đất để sản xuất.

Ngay khi xảy ra sự việc, UBND huyện Đam Rông đã đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Hoàng Trần Phú Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Phi Liêng, kiêm Trưởng ban lâm nghiệp xã Phi Liêng. Về phía Ban QLRPH Phi Liêng, đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Dương Văn Huy, cán bộ quản lý TK 216, để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm liên đới việc để xảy ra phá rừng trái phép.

Có bàn tay của “xã hội đen”

Dư luận địa phương chưa kịp lắng xuống sau vụ phá rừng ở Phi Liêng, những ngày đầu tháng 9.2018, trên địa bàn thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, có hàng chục cây thông đường kính 20 – 50cm bị đốn hạ, nằm ngổn ngang, nhiều cây lá vẫn còn xanh, nhựa chưa kịp khô.

Theo ông Nguyễn Phúc Thái – Chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, có 45 cây thông khoảng 20 năm tuổi tại tiểu khu 270, thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban bị triệt phá. Diện tích này bị phá đến 3 lần, lần cuối cùng vào ngày 19.8 vừa qua, cơ quan chức năng đã lập biên bản và đang tiến hành xác minh.

Cũng theo vị lãnh đạo này, việc các đối tượng chặt hạ thông để chiếm đất, khu vực rừng thông bị phá thuộc diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng, được giao khoán cho nhóm 7 hộ gia đình quản lý, bảo vệ.

Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã có buổi kiểm tra thực tế hiện trường tại khu vực rừng bị phá ở xã Phi Liêng ( huyện Đam Rông) và thị trấn Nam ban, huyện Lâm Hà. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu cơ quan chức năng địa phương khẩn trương điều tra, xử lý các đối tượng liên quan đến vụ phá rừng nói trên.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết, cả hai vụ việc trên có tính chất rất nghiêm trọng.

Theo ông Thanh, bước đầu lực lượng chức năng xác định các đối tượng phá rừng thuộc băng nhóm “xã hội đen”, thực hiện phá rừng có tổ chức, mục đích là chiếm đất. Khi bị phát hiện, các đối tượng này có hành vi đe dọa người dân và lực lượng quản lý bảo vệ rừng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn