MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bảo mẫu bắt cóc, sát hại bé gái 21 tháng tuổi tại Gia Lâm. Ảnh cắt từ clip

Lỗ hổng đánh giá tâm lý và nhân cách khi thuê bảo mẫu nhìn từ vụ bắt cóc bé 21 tháng tuổi

KHÁNH LINH LDO | 23/09/2023 06:32

Vụ việc đau lòng bé gái 21 tháng tuổi bị bắt cóc, sát hại bởi chính bảo mẫu, là người kề cạnh, chăm sóc cháu bé hằng ngày đã gióng lên hồi chuông báo động về sự chủ quan của cha mẹ và chất lượng, nhân cách của những người bảo mẫu, giúp việc trong các gia đình hiện nay.

Đưa mẹ nghi phạm đi xét nghiệm ADN

Ngày 22.9, thông tin từ Công an TP Hà Nội cho biết, sau khi phát hiện thi thể dưới sông Đuống, tối 21.9, lực lượng Công an TP Hà Nội đã về Bắc Giang, đưa mẹ nghi phạm Giáp Thị Huyền Trang đi xét nghiệm ADN.

Theo đó, vào tối 21.9, lực lượng chức năng và người dân đã phát hiện thi thể một phụ nữ ở khu vực hạ lưu sông Đuống gần cầu Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Ngay sau đó, thi thể người phụ nữ này đã được đưa lên bờ.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xác minh xem thi thể nữ giới đó có phải là Giáp Thị Huyền Trang, nghi can trong vụ án bắt cóc, sát hại cháu bé 21 tháng tuổi ở Gia Lâm trước đó 2 ngày hay không?

Qua nhận dạng ban đầu, thi thể trên sông Đuống khả năng là Giáp Thị Huyền Trang vì hình dáng và quần áo khá tương đồng với hình ảnh đối tượng gây án. Trên người thi thể này không có giấy tờ tùy thân.

Tuy nhiên, để khẳng định thi thể này có phải là đối tượng gây ra vụ bắt cóc, sát hại cháu bé hay không, cơ quan công an sẽ phải thực hiện giám định ADN.

Trước đó, ngày 19.9, Công an tỉnh Hưng Yên nhận thông tin từ Công an huyện Gia Lâm (TP Hà Nội) đề nghị hỗ trợ, điều tra một vụ bắt cóc trẻ em. Nạn nhân là một bé gái 21 tháng tuổi. Đến sáng ngày 20.9, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể cháu bé tại thôn Đồng Quê, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên).

Nghi phạm bắt cóc cháu bé từng là người giúp việc. Sau khi thôi giúp việc, người nhà vẫn thuê người này đưa đón cháu bé đi nhà trẻ. Trong quá trình làm việc, Trang bắt cóc cháu bé và đòi 1,5 tỉ đồng tiền chuộc của gia đình nhà chủ.

Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành tại cơ quan công an. Ảnh: Công an cung cấp

Đã đến lúc chuẩn hóa thị trường bảo mẫu?

Trên thực tế, đây không chỉ là sự việc đau lòng đầu tiên và duy nhất xảy ra. Mới đây, Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Chu Uyển Vân (27 tuổi, trú tại tỉnh Bắc Ninh) về tội vô ý làm chết người. Bị can Vân là bảo mẫu nhận trông bé trai 7 tháng tuổi ở một khu đô thị tại xã Đa Tốn, Gia Lâm (TP Hà Nội) nhưng trong quá trình trông giữ, cháu bé tử vong bất thường.

Tháng 6.2023, Công an TP Hà Nội ban hành kết luận điều tra vụ án bé trai 17 tháng tuổi bị bạo hành tại cơ sở trông giữ trẻ trên địa bàn huyện Thường Tín. Theo đó, kết luận điều tra đã được chuyển đến Viện KSND Hà Nội, đề nghị truy tố Nguyễn Thị An (SN 1993) và Nguyễn Thị Lành (SN 1992), cùng trú tại thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên về tội giết người.

Trước thực trạng không ít trẻ bị chính bảo mẫu, người mà hằng ngày kề cận chăm sóc gây nguy hại đến sức khoẻ, tâm lý, thậm chí ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của trẻ, TS - Luật sư Đặng Văn Cường - Uỷ viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ Quyền trẻ em - cho biết, cha mẹ nên có những kỹ năng khi tìm người chăm sóc con.

Chuyên gia cho rằng, ở các thành phố lớn, việc gia đình cần một bảo mẫu, người giúp việc là nhu cầu là rất lớn. Dưới góc độ pháp lý, pháp luật cũng có những quy định về lao động giúp việc nhà và quy định về chế độ, hợp đồng, đóng bảo hiểm cho những người này.

Việc lựa chọn bảo mẫu cần có những tiêu chí nhất định, nên lựa chọn là người thân quen, ở cùng quê, cùng địa phương, biết rõ lý lịch thật sự. Nếu không thể có người thân quen, có thể lựa chọn qua các cơ sở cung cấp dịch vụ uy tín, cần phải tiếp xúc, hỏi chuyện bước đầu để xác định họ có thật thà, có là người tốt, tử tế hay không, đồng thời cần quan tâm đến sức khoẻ, tình hình tài chính của những bảo mẫu.

"Các trung tâm cung cấp giới thiệu bảo mẫu phải chịu trách nhiệm về nhân sự, những người làm nghề bảo mẫu nhất định phải được đánh giá về tâm lý nhân cách để bảo đảm không có những người có nhân cách chống đối xã hội hoặc đang trong trạng thái bất ổn về mặt tinh thần được tiếp cận với trẻ" - vị luật sư nói thêm.

Bên cạnh đó, nói về việc khi người dân nhìn thấy cả cháu bé và đối tượng có biểu hiện bất thường nhưng không cảnh giác, không gọi cơ quan chức năng để dẫn đến sự việc đau lòng, TS - Luật sư Đặng Văn Cường - Uỷ viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ Quyền trẻ em - cho rằng, người dân cũng cần có những kiến thức, kỹ năng với loại tội phạm này để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra như vụ việc của cháu bé 21 tháng tuổi nói trên.

Theo các chuyên gia tư vấn của Công ty Thư viện Pháp luật, không giống như các vị trí giáo viên mầm non, các công việc bảo mẫu hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể nào trong các văn bản pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn