MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Hưng tại tòa.

Lời khai mâu thuẫn của Hưng "kính" và đàn em về "bảo kê chợ" Long Biên

Cường Ngô LDO | 25/07/2019 15:23

Tại tòa, Nguyễn Kim Hưng không nhận "chèn ép các tiểu thương" mà đổ lỗi cho đàn em. Tuy nhiên, lời khai của các thuộc hạ "ông trùm bảo kê chợ Long Biên" này cho thấy điều ngược lại.

Ngày 25.7, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”) và 4 đàn em gồm Nguyễn Hữu Tiến, Lê Thanh Hải, Nguyễn Mạnh Long, Dương Quốc Vương ra xét xử trong vụ án Cưỡng đoạt tài sản của tiểu thương chợ Long Biên.

Nguyễn Kim Hưng là bị cáo được gọi lên xét hỏi cuối phiên tòa sáng 25.7. Tại tòa, bị cáo Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính) bị đau chân, có nhiều bệnh nên xin được phép ngồi và được chủ tọa phiên tòa chấp thuận.

Đối với bản cáo trạng truy tố, bị cáo Nguyễn Kim Hưng nói: "Bị cáo thấy cáo trạng không đúng ở chỗ, bị cáo làm ở chợ Long Biên từ năm 1991, với nhiệm vụ là tổ trưởng tổ bốc dỡ hàng hóa. Việc hàng ngày của bị cáo là họp giao ban với Ban Quản lý chợ Long Biên. Chị Nghiêm Thị Nga (bị hại) kinh doanh hoa quả - trước đây, vợ chồng chị Nga từng bị xã hội đen đánh, bị cáo phải ra mặt, can thiệp, giúp đỡ".

Bị cáo Nguyễn Kim Hưng.

Về hợp đồng bốc dỡ là do Ban Quản lý chợ Long Biên ký với các hộ kinh doanh, Hưng "kính" nói: "Tất cả các hộ kinh doanh phải tuân thủ nguyên tắc là cho nhân viên của Ban Quản lý chợ bốc xếp” và khẳng định mình không tham gia vào việc "bảo kê" hay chèn ép tiểu thương.

Dù bị cáo Nguyễn Kim Hưng không nhận tội, song, lời khai của các đàn em cho thấy điều ngược lại. Bị cáo Nguyễn Kim Long cho biết, tất cả công việc bị cáo làm đều thực hiện theo lệnh của Tổ trưởng Nguyễn Kim Hưng và báo cáo lại trong buổi họp giao ban sáng”, bị cáo Long nói.

Bị cáo Dương Quốc Vương cũng khai: "Bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo của anh Hưng. Tiền thu được hàng ngày cũng nộp về cho anh Hưng hết. Bị cáo không giữ lại đồng nào".

Tương tự, bị cáo Nguyễn Hữu Tiến cho rằng: "Bị cáo không nhận thức được việc làm trái pháp luật, vì đó là việc làm hàng ngày của bị cáo. Anh Hưng bảo thu thì bị cáo thu".

Đối chất với bị cáo Nguyễn Kim Hưng, bị hại Nghiêm Thúy Nga cho biết, trước những hành vi chèn ép của bị cáo Hưng và đàn em, chị đã làm đơn lên Ban quản lý Chợ Long Biên.

Ngay lập tức, Ban Quản lý chợ đã họp khẩn cấp, triệu tập các đơn vị liên quan về vụ việc này. Ban Quản lý chợ cũng yêu cầu tổ bốc dỡ hàng hóa thực hiện đúng quy định của Ban Quản lý chợ và không tái diễn hành vi gây khó dễ cho vợ chồng chị Nga.

Chị Nghiêm Thúy Nga gục khóc tại tòa. Ảnh: Ngô Cường

Tuy nhiên, thực hiện như cam kết được 5 ngày, thì tổ bốc dỡ hàng hóa của Hưng "kính" lại đâu vào đấy, tiếp tục các hành vi chèn ép vợ chồng chị Nga, như tăng tiền bốc dỡ hàng hóa gấp đôi - mặc dù đàn em của Hưng "kính" không hề thực hiện việc bốc xếp hàng hóa cho chị Nga.

"Ban Quản lý chợ Long Biên làm việc theo giờ hành chính, vào ban ngày, nhưng Hưng "kính" và các đối tượng quấy nhiễu, chèn ép chúng tôi vào ban đêm, nên "nỗi khổ" của chúng tôi, nhiều khi không giải quyết được", chị Nga cho hay.

Tại tòa, chị Nghiêm Thúy Nga cho rằng, việc các bị cáo có hành vi côn đồ đã khiến gia đình chị thiệt hại lớn: "Các đối tượng ngăn chặn, quấy rối khiến công việc kinh doanh của chúng tôi ảnh hưởng lớn. Thiệt hại của chúng tôi đến bây giờ vẫn chưa thể tính toán.

Bị cáo Hải liên tục sỉ vả tôi giữa chợ khiến nhiều mối hàng không dám gửi hàng cho chúng tôi. Một thời gian chúng tôi không dám ngồi trước cửa hàng, vì các bị cáo ném những bao cá thối sát ki ốt của chúng tôi".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn