MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GHTK ghi nhận một số phản ánh về việc các cá nhân mạo danh GHTK, yêu cầu chuyển khoản/ nhấn vào đường link lạ. Ảnh: GHTK

Lừa đảo mạo danh shipper tấn công người tiêu dùng

LƯƠNG HẠNH LDO | 21/08/2024 09:31

Lợi dụng việc người tiêu dùng thiếu cảnh giác khi mua hàng trên mạng, nhiều đối tượng đã giả danh nhân viên giao hàng (shipper) của các thương hiệu uy tín để chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng.

Đánh vào nỗi sợ của người tiêu dùng

Chị Nguyễn Thị T (Hà Nội) - một TikToker có hàng chục nghìn người theo dõi trên mạng xã hội Tiktok vừa chia sẻ câu chuyện bị lừa đảo của chị đến mọi người để tránh rơi vào tình cảnh tương tự.

Trao đổi với PV Báo Lao Động ngày 20.8, chị T kể lại, chị bị một đối tượng gọi điện tự xưng là nhân viên giao hàng thông báo có đơn cần giao cho chị. Là người thường xuyên đặt hàng trên mạng nên chị T không mảy may suy nghĩ khi shipper gọi yêu cầu nhận hàng và chuyển khoản để thanh toán giá trị đơn hàng.

Đối tượng này cho biết, đơn hàng của chị T có giá là 320.000 đồng và vẫn gửi phòng bảo vệ trước tòa nhà chung cư nơi chị ở như mọi khi. Sau khi chị T chuyển khoản thành công, đối tượng liền thông báo do nhầm lẫn nên số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên shipper. Khi chị chuyển tiền vào đó, trung tâm sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ 3,5 triệu đồng từ tài khoản của hội viên.

Chưa dừng lại ở đó, đối tượng đề nghị chị T kết bạn với link Facebook lạ và một số điện thoại giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng thuộc Công ty Giao hàng Tiết kiệm để tư vấn cho khách. Lúc này, chị T mới chợt tỉnh ngộ. "Thông thường đầu số gọi điện cho tôi thực sự là nhân viên của giao hàng tiết kiệm không dùng số lạ này. Họ cũng không sử dụng Facebook để liên hệ với tôi" - chị T nói.

Theo chị T, trong diễn biến câu chuyện lừa đảo trên, đối tượng đánh vào 2 nỗi sợ của khách hàng. Một là nỗi sợ chưa kịp thanh toán tiền cho đơn hàng mình đã đặt. Hai là nỗi sợ về việc đột ngột trở thành thành viên shipper và bị trừ tiền hàng tháng nếu không giải quyết sớm.

Chị T chia sẻ: "Nếu tôi làm theo hướng dẫn của chúng chắc chắn tôi sẽ không chỉ mất 320.000 đồng. Các thông tin cá nhân sẽ có nguy cơ bị đánh cắp, đặc biệt là tiền trong tài khoản ngân hàng tôi đang sở hữu".

Nhiều thương hiệu uy tín bị giả mạo

Mới đây, Công ty Giao hàng tiết kiệm (GHTK) cho biết, đã ghi nhận một số phản ánh về việc các đối tượng mạo danh, đăng tải các thông tin tuyển dụng sai lệch trên fanpage giả mạo, liên hệ ứng viên yêu cầu nộp phí, chuyển tiền vào các ứng dụng (app) để được tuyển dụng hoặc tham gia vào hội nhóm hỗ trợ tuyển dụng. Đây là hành vi xấu, nhằm đánh cắp thông tin, chiếm dụng tiền của khách hàng.

Công ty này khuyến nghị khách hàng để tránh bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng, cần kiểm tra kỹ thông tin đơn hàng, đối chiếu với thông tin trên website hoặc ứng dụng chính thống của GHTK như: GHTK App, iGHTK… Không chia sẻ thông tin cá nhân như mã OTP, mật khẩu tài khoản và mã pin; Không nhấn vào các đường link đáng nghi hoặc tải các tệp đính kèm từ email hoặc tin nhắn lạ.

Khi phát hiện đối tượng có dấu hiệu mạo danh Giao hàng tiết kiệm để lừa đảo, người tiêu dùng không nhận đơn hàng. không chuyển khoản cho đối tượng.

Đồng thời, cần liên hệ ngay với bộ phận chăm sóc khách hàng qua App của Giao hàng tiết kiệm App hoặc hotline của Giao hàng tiết kiệm: 1900 6092 để kiểm tra tính xác thực của đơn hàng (bao gồm cả thông tin đơn và nhân viên giao hàng).

Ngoài Giao hàng tiết kiệm, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam - ViệtNamPost cũng vừa đưa ra thông báo, 2 tháng gần đây, doanh nghiệp này đã liên tục đăng cảnh báo trên Fanpage về việc bị các đối tượng giả mạo thương hiệu để lừa đảo tuyển dụng.

Việc công bố công khai các kênh thông tin chính thống của đơn vị mình, VietNamPost đề nghị khách hàng không làm theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo, không truy cập các đường link lạ được gửi đến email cá nhân và không giao dịch thanh toán bất cứ khoản phí nào khi các đối tượng yêu cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn