MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người bị hại từ lừa đảo đầu tư tài chính đến cơ quan công an trình báo. Ảnh: Công an Huế

Lừa đảo trực tuyến - vì sao biết mà vẫn dính bẫy?

Minh Anh LDO | 11/03/2024 09:41

Làm gì có chuyện chỉ cần đóng thêm tiền để rút ra một khoản lớn hơn? Hôm trước có anh bạn đồng nghiệp kể chuyện có người họ hàng ở xa, bỗng nhiên gọi điện hỏi vay 35 triệu đồng trong vài giờ rồi trả ngay. Người đó nói rằng, đang cần gấp để đóng khoản tiền này thì mới rút được khoản tiền lên đến vài trăm triệu đồng.

Vốn quen với kiểu lừa đảo đầu tư tài chính, anh bạn khuyến cáo người họ hàng là bị lừa đấy, đừng đóng tiền nữa, thì bị mắng: “Anh chỉ nghĩ lý do để không cho vay chứ gì”. Khuyên không được, người đồng nghiệp nhờ bà con họ hàng khác khuyên giải cũng không xong. Kết quả tháng sau người họ hàng kia thông báo bị lừa mất khoảng 200 triệu đồng.

Trên mạng xã hội cũng lan truyền câu chuyện chị vợ “đầu tư tài chính” và có một khoản tiền “làm nhiệm vụ” lên tới 3,8 tỉ đồng. Nhưng để rút được thì phía “bên kia” yêu cầu nộp thêm 20 triệu đồng nữa. Người chồng cảnh giác khuyên can nhưng không thuyết phục được vợ. Chẳng nói thì ai cũng biết, cái kết thế nào.

Ngày 10.3, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra 5 hình thức lừa đảo trực tuyến mới. Trong đó có hình thức lừa đảo đầu tư tài chính. Theo cục này, gần đây, nhiều người dân sống tại Hà Nội khi tham gia đầu tư tài chính trên mạng đã bị lừa từ vài tỉ đồng đến hàng chục tỉ đồng, thậm chí có người đã bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 57 tỉ đồng.

Có thể kể đến một số phương thức lừa đảo liên quan đến đầu tư tài chính, tiền ảo, tiền mã hóa như: Kinh doanh đa cấp tiền ảo, tiền mã hóa biến tướng trên mạng nhằm chiếm đoạt tài sản; lừa đảo qua hoạt động của các sàn giao dịch ngoại hối, quyền chọn nhị phân…

Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân luôn cảnh giác, cẩn trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu hoạt động đầu tư qua bất cứ hình thức nào, nhất là trên mạng. Cần tìm hiểu kỹ về phía chủ quản, công ty quản trị trước khi đầu tư.

Người dân cũng cần trang bị kiến thức về tài chính, đầu tư. Khi thấy không chắc chắn, cần tham khảo đánh giá của chuyên gia tài chính hoặc luật sư để có thể đưa ra quyết định thông minh, an toàn và tránh rủi ro lừa đảo.

Bên cạnh đó còn các hình thức khác như các hội nhóm mạo danh lực lượng an ninh mạng, các văn phòng luật và ngân hàng lừa đảo hỗ trợ lấy lại tiền; lừa quét mã QR trong bưu phẩm có phiếu trúng thưởng với yêu cầu người nhận quét mã QR truy cập đường link và cung cấp thông tin cá nhân để thực hiện thủ tục nhận thưởng. Song song với đó còn có chiêu lừa hỗ trợ chạy án, lừa qua ứng dụng hẹn hò…

Các đối tượng dùng chiêu trò đánh vào tâm lý, đặc biệt đánh vào lòng tham của con người để lừa đảo. Do đó, người dân phải thận trọng, lắng nghe khuyến cáo từ các cơ quan chức năng và luôn tâm niệm rằng tiền không bao giờ đến một cách dễ dàng. Những đồng tiền đến càng dễ thì khả năng chỉ là những miếng mồi trong bẫy chuột.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn