MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhóm bị cáo lừa đảo xuyên quốc gia tại phiên toà ngày 23.9 vừa qua. Ảnh: V.D

Lừa đảo xuyên Việt, xuyên quốc gia bằng các trang thương mại, gian hàng ảo

Quang Việt LDO | 27/09/2022 06:38

Các đối tượng am hiểu công nghệ thông tin lập ra các gian hàng ảo, thậm chí cả trang thương mại điện tử để lừa đảo rao bán hàng không có thật, chiếm đoạt cả chục tỉ đồng. Công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác với loại tội phạm này.

Lập trang thương mại điện tử để lừa đảo

Hôm 23.9 vừa qua, Toà án nhân dân TP.Hà Nội đưa ra xét xử Nguyễn Duy Toản (35 tuổi); Trần Quốc Khánh (38 tuổi); Phan Đình Thư (24 tuổi) và Đỗ Chí Huy (29 tuổi) về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".

Toản là người làm việc trong lĩnh vực kiếm tiền trực tuyến (MMO) thông qua việc chạy quảng cáo thuê cho các trang web trên Google ads và lập các trang thương mại điện tử để bán hàng online dưới hình thức “dropship” (nhập hàng từ đại lý và bán lại cho khách để hưởng chênh lệch).

Từ tháng 2.2019, Khánh đến làm việc cho Toản với nhiệm vụ chuyên đăng tải sản phẩm lên trang thương mại điện tử trên nền tảng Shopify để bán hàng và chạy quảng cáo. Tuy nhiên, các website được duyệt chỉ hoạt động từ 1-3 tuần sẽ bị Google khóa nên Toản yêu cầu Khánh lập thêm các website để tránh bị gián đoạn. Các website này chủ yếu dưới hình thức bán hàng nonship (không giao hàng). 

Thông tin trên các website này đều là giả từ thông tin người bán hàng đến các loại mặt hàng… còn giá bán thì thấp hơn 20-30%. Từ tháng 3.2020, dịch COVID-19 tại Mỹ bùng phát, người dân nước này có nhu cầu tìm các sản phẩm phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay, giấy vệ sinh…

Nắm bắt tình hình trên, Toản chỉ đạo Khánh lập các website thương mại điện tử như uggone, mimomart, galaxymart... Cũng trong thời gian này, Thư - cháu ruột của Toản, học công nghệ thông tin đến ở cùng bị cáo và được chỉ đạo cùng Khánh mua 330 tên miền của Mỹ, chuẩn bị mã nguồn để tạo lập 110 trang website thương mại điện tử, chạy quảng cáo trên Google Shoping.

Sau khi thiết lập website, Thư chuyển lại cho Khánh để chỉnh sửa và đăng các mặt hàng phòng chống dịch. Các thông tin này hoàn toàn được sao chép trên các trang web thương mại điện tử lớn của Mỹ như Walmart, Bestbuy… nhưng giá thấp hơn 20-30%. Các thông tin liên hệ cũng là "ảo".

Để nhận tiền thanh toán, Toản liên hệ với Huy tạo tài khoản Paypal có uy tín cao, có thể rút tiền nhanh và liên kết với các website trên. Cả hai thỏa thuận, Huy sẽ rút tiền VND và chuyển cho Toản với tỉ lệ 15.000 - 16.000 đồng/USD, còn lại hưởng phần chênh lệch còn lại.

Nhiều khách hàng đặt hàng nhưng không nhận được hàng đã phản hồi lại với Paypal hoặc cơ quan quản lý thị trường Mỹ. Do đó, Paypal đã thông báo và khóa một số tính năng chuyển, rút tiền với tài khoản của người bán.

Thấy vậy, Toản chỉ đạo Thư vào các trang website của đơn vị vận chuyển (UPS) sử dụng thông tin khách hàng đã phản hồi trên Paypal để tạo các mã vận đơn "ảo" nhằm đánh lừa khách hàng rằng đơn hàng đã được chuyển đi.

Đến tháng 6.2020, khi thấy khách hàng phản hồi nhiều, Huy hỏi Toản về việc bán hàng. Mặc dù biết Toản bán hàng nhưng không giao hàng cho khách nên Huy đã đề nghị Toản hỗ trợ thanh toán Paypal với tỉ lệ ăn chia 60-40% trên tổng số tiền chiếm đoạt.

Sau khi có nhiều thư phản hồi, Cơ quan An ninh điều tra Hoa Kỳ tiến hành kiểm tra và chuyển tài liệu, phối hợp với cơ quan điều tra Việt Nam đã làm rõ hành vi phạm tội của Toản và đồng phạm.

Bằng thủ đoạn trên, Toản và đồng phạm chiếm đoạt của 36.666 lượt người đặt mua hàng hóa online, số tiền hơn 14,1 tỉ đồng. Với cáo buộc trên, toà đã tuyên phạt Toản 15 năm tù, các bị cáo còn lại nhận từ 4-8 năm.

Ngoài vụ trên, lực lượng chức năng thời gian qua cũng đã triệt phá nhiều vụ lừa đảo với hình thức bán hàng ảo. Cụ thể, giữa tháng 7, Công an huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam thông tin đã bắt Bùi Thanh Đức (24 tuổi) và An Phương Thảo (22 tuổi).

Thủ đoạn của Đức và Thảo là thông qua mạng xã hội mua các tài khoản ngân hàng, tạo hàng chục gian hàng ảo trên trang thương mại điện tử rồi rao bán hàng với giá rẻ hơn giá thị trường. Khi đã nhận tiền chuyển khoản của người mua, các đối tượng liền chặn số điện thoại, hủy tài khoản mạng xã hội để bị hại không liên lạc được. 

Bước đầu, Công an huyện Lý Nhân đã đấu tranh làm rõ, từ tháng 4 đến khi bị bắt, Đức và Thảo đã lừa đảo chiếm đoạt gần 1 tỉ đồng của nhiều bị hại trên cả nước. 

Nhận diện các trang web giả mạo và khuyến cáo của cơ quan chức năng

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Bộ Công Thương khuyến cáo, người tiêu dùng cũng cần lưu ý, hiện nay có một số website mạo danh, chỉ đặt biểu tượng nêu trên trang web nhưng thực tế chưa hoàn thiện thủ tục tại Bộ Công Thương.

Người tiêu dùng có thể kiểm tra tính xác thực theo một trong hai cách sau: Kích vào các biểu tượng trên. Nếu thông tin chính xác, hệ thống sẽ dẫn tới trang thông tin xác nhận của Bộ Công Thương, trong đó, cung cấp thông tin đầy đủ về doanh nghiệp sở hữu, vận hành website tương ứng. Truy cập trực tiếp vào hệ thống của Bộ Công Thương tại địa chỉ: http://online.gov.vn/, nhập tên miền website để tìm kiếm thông tin đã thực hiện thông báo/đăng ký hay chưa.

Trong khi đó, Công an TP.Hà Nội cho hay, website không chính thống có giao diện đơn giản, không có phần thông tin liên hệ rõ ràng, ngôn ngữ lập trình giao diện không được tối ưu cho nhiều thiết bị mà thường chỉ phát triển trên nền tảng HTML cho máy tính…

Từ đó, Cơ quan Công an khuyến cáo người dân khi mua hàng qua mạng nên thoả thuận hình thức thanh toán: chỉ thanh toán sau khi đã được nhận và kiểm tra hàng. Khi mua hàng online nên thông qua các trang thương mại điện tử lớn, uy tín, được cấp phép để hạn chế rủi ro.

Còn luật sư Nguyễn Thị Hường - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, các thủ đoạn trên đều là hình thức lừa đảo, được quy định tại các Điều 290, 174 Bộ luật Hình sự. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn