MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Luật sư Trần Hồng Phong (bào chữa cho Hồ Duy Hải) thông tin với phóng viên. Ảnh: Phạm Đông

Luật sư bào chữa cho tử tù Hồ Duy Hải nói về phiên giám đốc thẩm

Phạm Đông LDO | 06/05/2020 14:19
Theo luật sư, tại phiên tòa xét xử vụ án Hồ Duy Hải, chủ tọa yêu cầu đặt ra là cần xem xét cẩn trọng, khách quan, toàn diện, đúng thủ tục, không cho phép làm oan người vô tội, cũng như bỏ lọt người phạm tội.

Sáng 6.5, Toà án nhân dân (TAND) Tối cao mở phiên giám đốc thẩm xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về hai tội giết người và cướp tài sản, xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi (Long An).

Thông tin với báo chí, luật sư Trần Hồng Phong (bào chữa cho Hồ Duy Hải) cho biết, phiên giám đốc thẩm sáng nay có đầy đủ các thành phần tham dự. Cụ thể, tham dự phiên tòa giám đốc thẩm có đại diện các cơ quan gồm: Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Nội chính Trung ương; lãnh đạo Ủy ban Tư pháp Quốc hội; Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao, TAND Tối cao; lãnh đạo Cục C01 Bộ Công an; TAND cấp cao tại TP.HCM, VKSND cấp cao tại TP.HCM; các cơ quan tố tụng của tỉnh Long An.

Trong buổi làm việc đầu tiên, VKSND Tối cao trình bày lại toàn bộ bản kháng nghị giám đốc thẩm. Ông Phong sau đó nêu quan điểm và nộp các chứng cứ, tài liệu thu thập được cho Hội đồng thẩm phán xem xét. Hết phần ông Phong, chủ toạ thông báo luật sư chỉ cần có mặt buổi đầu còn lại không cần thiết phải tham gia.

“Tôi sau đó làm đơn đề nghị được tiếp tục tham dự nhưng không được chấp nhận bởi chủ toạ thông báo đã có ý kiến của luật sư”, ông Phong nói và cho hay rất hy vọng trong phiên làm việc nội bộ, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao sẽ có những quyết định “hợp tình, hợp lý nhất”.

Luật sư cho biết, tại phiên toà, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Trải qua hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Hội đồng xét xử đều tuyên án Hồ Duy Hải về tội giết người và cướp tài sản. Mới đây, VKSND Tối cao lại có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ án.

Nhiệm vụ của phiên giám đốc thẩm là Hội đồng Thẩm phán sẽ kiểm tra, thẩm định đánh giá tính hợp pháp có căn cứ của các tài liệu đã có trong hồ sơ, chủ yếu tập trung vào những tài liệu chứng cứ đã nêu trong kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao.

Ngoài ra, Hội đồng cũng xem xét và làm rõ những chứng cứ và tài liệu mới có thể được các cơ quan tố tụng, VKS, luật sư trình bày với Hội đồng thẩm phán. Yêu cầu đặt ra là cần xem xét cẩn trọng, khách quan, toàn diện, đúng thủ tục, không cho phép làm oan người vô tội, cũng như bỏ lọt người phạm tội.

TAND Tối cao mở phiên giám đốc thẩm xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải. Ảnh: Phạm Đông

Theo nội dung vụ án, ngày 13.1.2008, hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) Nguyễn Thị Ánh Hồng (22 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) bị sát hại dã man. Hai tháng sau, ngày 21.3.2008, Hồ Duy Hải bị bắt. Hồ sơ thể hiện Hải là hung thủ duy nhất.

Ngày 1.12.2008, TAND tỉnh Long An xử sơ thẩm, tuyên án tử hình Hồ Duy Hải. Đến ngày 28.4.2009, TAND Tối cao xét xử phúc thẩm giữ nguyên án tử hình với bị cáo này.

Đầu tháng 12.2014, Hội đồng thi hành án tỉnh Long An có quyết định thi hành án đối với Hồ Duy Hải. Sau đó, Văn phòng Chủ tịch nước truyền đạt ý kiến Chủ tịch nước tạm hoãn thi hành án với tử tù Hồ Duy Hải cho đến nay.

Ngày 28.11.2019, Viện KSND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 bản án để điều tra lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn