MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Luật sư tham gia bào chữa trong vụ cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo. Ảnh: N.Anh

Luật sư của cựu Chủ tịch FLC nói thân chủ có thể khắc phục toàn bộ hậu quả

Việt Dũng LDO | 26/07/2024 17:37

Luật sư của cựu Chủ tịch FLC cho rằng, thân chủ có thể khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án và đề nghị xem xét khoản hơn 3.600 tỉ đồng bị cáo buộc chiếm đoạt.

Chiều 26.7, sau công bố mức án đề nghị với thân chủ là cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết (từ 24-26 năm) về hai tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Thao túng thị trường chứng khoán", luật sư Trần Nam Long - một trong 4 người bào chữa đã bày tỏ quan điểm.

Theo luật sư Long, khoản hơn 3.600 tỉ đồng cáo trạng quy kết bị chiếm đoạt là chưa hoàn toàn hợp lý; cần phải xác định đây là khoản tiền hưởng lợi không ngay tình từ các hành vi trong vụ án chứ không phải số tiền bị chiếm đoạt từ hành vi lừa đảo.

Thân chủ ông luôn cam kết và khẳng định đã và sẽ nộp khoản tiền này vào ngân sách nhà nước, bảo đảm bằng toàn bộ tài sản thuộc sở hữu cá nhân.

Ngoài số tiền bị cáo Quyết đã bồi thường cho các nhà đầu tư hiện đang nắm giữ cổ phiếu ban đầu được xác định là bị hại (khoảng hơn 2,2 tỉ đồng), số tiền còn lại cần được coi là khoản tiền hưởng lợi không ngay tình từ các hành vi trong vụ án và bị cáo Quyết cam kết nộp vào ngân sách Nhà nước.

Luật sư Long cho rằng, bị cáo Quyết đã có ý thức khắc phục hậu quả và trên thực tế, đã có thể khắc phục hoàn toàn hậu quả nếu được tạo điều kiện.

Theo đó, thân chủ của luật sư có thể sử dụng tài sản cá nhân đã tích lũy được từ 20 năm kinh doanh và huy động các nguồn lực tài chính khác để khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án.

Luật sư thông tin, chỉ tính riêng tài sản là cổ phiếu và tiền mặt tại các tài khoản chứng khoán bị phong tỏa, bị cáo Quyết có gần 13,5 tỉ đồng tiền mặt và hơn 1,5 tỉ cổ phiếu các loại với tổng giá trị tính theo giá đóng cửa tại thời điểm bị phong toả là khoảng 4.800 tỉ đồng.

Theo đó, nếu được tạo điều kiện cho việc mở phong tỏa, thực hiện thanh lý tài sản sớm thì, toàn bộ khoản tiền hưởng lợi không ngay tình từ các hành vi trong vụ án đã có thể được khắc phục hoàn toàn.

Tiếp đó, luật sư cho hay, trong thời gian bị tạm giam, bị cáo vẫn tác động gia đình để vay mượn khắc phục được gần 240 tỉ đồng. Trong đó, gia đình bị cáo đã nộp đủ hơn 2,2 tỉ đồng để trả cho 133 bị hại còn giữ cổ phiếu ROS ban đầu (trong hơn 30.000 người được ghi nhận là bị hại, đến nay chỉ xác định được 133 bị hại còn giữ cổ phiếu ban đầu) như cáo trạng xác định.

Ông Long đề nghị cho thân chủ qua luật sư, gia đình được bán cổ phiếu, nộp phần giá trị còn lại của số tiền hưởng lợi không ngay tình, thực hiện trong thời gian sớm nhất để giảm thiểu giá trị giảm giá tài sản.

Luật sư Vũ Đặng Hải Yến - người bào chữa thứ hai cho bị cáo Quyết - khẳng định, thân chủ thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội.

Cũng theo nguyện vọng của bị cáo Trịnh Văn Quyết, các quan điểm bào chữa mà luật sư trình bày không nhằm mục đích phủ nhận trực tiếp các cáo buộc, mà chỉ có mục đích đưa ra những lý do khách quan, những căn cứ hiện hữu, quan điểm pháp lý để cơ quan công tố xem xét trước khi quyết định hình phạt.

Theo luật sư Yến, trong số 30.403 nhà đầu được xác định là người bị hại, chỉ có 133 nhà đầu tư còn giữ cổ phiếu ban đầu. Do đó, số tiền chiếm đoạt chỉ được xác định tương ứng với số thiệt hại của nhóm 133 nhà đầu tư, số tiền bán cổ phiếu ROS còn lại đã được nhà đầu tư mua cổ phần ban đầu thu hồi lại nên không thể xác định đây là số tiền chiếm đoạt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn