MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Luật sư Trần Hồng Phúc (giữa) và các đồng nghiệp bào chữa cho bà Lê Thị Dung tại phiên xử phúc thẩm. Ảnh: Hải Đăng

Luật sư Trần Hồng Phúc tiếp tục lên tiếng về vụ án bà Lê Thị Dung

QUANG ĐẠI LDO | 19/06/2023 10:11

Mặc dù án phúc thẩm xử bà Lê Thị Dung - nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã có hiệu lực, luật sư Trần Hồng Phúc vẫn trăn trở và tiếp tục lên tiếng.

Ngày 19.6, trao đổi với phóng viên, luật sư Trần Hồng Phúc – Chủ tịch Công ty Luật SMIC, người bào chữa cho bà Lê Thị Dung tại phiên tòa phúc thẩm cho biết đang tiếp tục làm sáng tỏ sự thật.

Theo hồ sơ vụ án, bà Lê Thị Dung bị bắt giam ngày 28.3.2022 theo lệnh bắt bị can để tạm giam căn cứ vào Quyết định khởi tố bị can số 42 ngày 26.3.2022. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hưng Nguyên ban hành Đề nghị phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam số 85 ngày 26.3.2022 gửi Viện KSND huyện Hưng Nguyên.

Luật sư nhiều lần kiến nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bà Lê Thị Dung. Ảnh: Hải Đăng

Tại văn bản này, Công an huyện Hưng Nguyên căn cứ vào Quyết định khởi tố số 42 ngày 26.3.2022 để đề nghị Viện Kiểm sát phê chuẩn việc bắt tạm giam đối với bà Lê Thị Dung.

Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án không có Quyết định khởi tố bị can số 42 ngày 26.3.2022. Tại phiên xét xử phúc thẩm, các luật sư bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử công bố bút lục Quyết định khởi tố bị can số 42 của hồ sơ vụ án, nhưng cho đến nay vẫn không được đáp ứng.

Theo luật sư Trần Hồng Phúc, do không có Quyết định khởi tố bị can số 42 đối với nhà giáo Lê Thị Dung, nên quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với bà Dung không có cơ sở pháp lý.

Nội dung nói trên đã được cấp tòa phúc thẩm cho rằng có sai sót nhưng không ảnh hưởng đến bản chất của vụ án.

Luật sư Trần Hồng Phúc cho biết, Đề nghị phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam số 85 ngày 26.3.2022 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hưng Nguyên đối với nhà giáo Lê Thị Dung nêu: “Quá trình điều tra, xác định bị can có hành vi tiêu hủy, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án, đe dọa, khống chế trả thù người làm chứng, người tố giác tội phạm”.

“Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án và cho đến nay không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh bà Lê Thị Dung đã có hành vi tiêu hủy, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án hay có hành vi đe dọa, khống chế trả thù người làm chứng, người tố giác theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 119 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 để làm căn cứ đề nghị phê chuẩn việc bắt tạm giam” – luật sư Trần Hồng Phúc nói.

Theo luật sư Trần Hồng Phúc, các luật sư bào chữa đã kiến nghị Hội đồng xét xử xem xét thay đổi ngay biện pháp ngăn chặn cho bà Lê Thị Dung từ “tạm giam” sang “cấm đi khỏi nơi cư trú”, nhưng tòa án cấp phúc thẩm không xem xét, giải quyết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn