MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngoài việc CSGT chủ động quay clip phương tiện vi phạm để phạt nguội, người dân cũng có thể tự ghi hình và gửi về cho CSGT xác minh. Ảnh: Tri thức trực tuyến.

Lý do khiến CSGT không nhận hình ảnh, clip tố vi phạm qua mạng xã hội

A.T (tổng hợp) LDO | 27/07/2019 13:44

Theo Đội trưởng Đội Tham mưu PC08, đối với tất cả tin báo về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội đều phải được ghi chép đầy đủ thông tin của người cung cấp. Do đó, việc nhận thông tin qua mạng xã hội sẽ không đảm bảo theo quy định của ngành.

Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM (PC08), thông báo từ ngày 1.8 sẽ tiếp nhận những hình ảnh, clip ghi hình phương tiện có dấu hiệu vi phạm Luật Giao thông đường bộ do người dân cung cấp để tiến hành xác minh, xử lý, thông tin trên Tri thức trực tuyến.

Theo đó, để thuận lợi trong việc lưu trữ hình ảnh, điều tra, xác minh nguồn gốc clip, cũng như danh tính người cung cấp, Phòng PC08 phân công bộ phận tiếp nhận tại một địa điểm duy nhất ở số 341 đường Trần Hưng Đạo, phường cầu Kho, quận 1, TP.HCM. Người dân có thể đến đây gửi clip, hình ảnh ghi lại các phương tiện có dấu hiệu vi phạm.

Chia sẻ trên tờ Zing.vn, trung tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội tham mưu Phòng PC08, Công an TP.HCM, cho biết theo quy trình cung cấp thông tin về vi phạm giao thông, chủ nhân hình ảnh hoặc clip buộc phải trực tiếp mang đến địa điểm duy nhất tại Phòng PC08.

"Các clip do người dân tự quay chưa được coi là bằng chứng, mà chỉ có thể xem là các tài liệu để lực lượng chức năng căn cứ vào đó tiến hành xác minh, xử lý", trung tá Bình nói.

Cũng theo trung tá Bình, đối với tất cả tin báo về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội đều phải được ghi chép đầy đủ thông tin của người cung cấp. Do đó, việc nhận thông tin qua mạng xã hội sẽ không đảm bảo theo quy định của ngành.

Về việc CSGT không tiếp nhận qua các kênh khác, trung tá Bình lý giải thêm với Báo Người Lao động, việc nhận trực tiếp, có biên bản nhằm để tránh trường hợp những người ghét, hoặc đối thủ của nhau cắt ghép hình ảnh rồi đi tố cáo nên phải biết người cung cấp là ai; clip có bị cắt, can thiệp kỹ thuật hay không.

“Việc người dân gửi clip qua email, Facebook, Zalo... sẽ rất khó cho CSGT điều tra xác minh nguồn gốc clip, cũng như danh tính người cung cấp clip”, trung tá Bình nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn