MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bị can Tô Anh Dũng, Phạm Trung Kiên và Vũ Anh Tuấn (từ trái qua) nhận hối lộ hàng chục tỉ vụ chuyến bay giải cứu song được đề nghị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Ảnh: Bộ Công an

Lý do nhiều cựu quan chức vụ chuyến bay giải cứu được đề nghị giảm nhẹ

Việt Dũng LDO | 08/04/2023 08:30
Hai cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cùng nhiều bị can khác được đề nghị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự vụ chuyến bay giải cứu, song có cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự bị xem xét, xử lí nghiêm.

Trong vụ án chuyến bay giải cứu, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã làm rõ hành vi sai phạm của 54 bị can và đề nghị truy tố những người này ở 5 tội danh: "Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Đưa hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Kết luận chỉ ra việc nhiều cựu quan chức ở các bộ, ngành, địa phương như: Ngoại giao, Y tế, Công an, Giao thông vận tải, Hà Nội, Quảng Nam... đã nhận hối lộ từ doanh nghiệp để tạo thuận lợi cho họ thực hiện các chuyến bay giải cứu.

Cơ quan điều tra cáo buộc, những người này có chức vụ, quyền hạn song đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp tổ chức đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trên các chuyến bay combo. Mục đích của họ là để các doanh nghiệp chi tiền, đưa hối lộ.

Theo kết luận, các bị can trong nhóm "Nhận hối lộ" đã được chi tới hơn 170 tỉ đồng từ các doanh nghiệp.

Trong đó, ông Tô Anh Dũng - cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận 21,5 tỉ đồng; Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan nhận 25 tỉ đồng; Vũ Anh Tuấn - nguyên Phó Trưởng phòng Tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an hơn 27 tỉ;

Phạm Trung Kiên - cựu thư kí Thứ trưởng Bộ Y tế nhận nhiều nhất với hơn 42 tỉ; Chử Xuân Dũng - cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội hơn 2 tỉ; Trần Văn Tân - cựu Phó Chủ tịch UBND Quảng Nam 5 tỉ...

Ở nhóm tội "Đưa hối lộ", bị can Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng, Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky đã chi hơn 100 tỉ để lót tay các cựu quan chức và "chạy án".

Các bị can khác cũng chi ra nhiều tỉ để đưa hối lộ nhằm được tạo điều kiện trong các chuyến bay combo, cũng như cách li y tế.

Cơ quan An ninh điều tra nhận định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng cả trong, ngoài nước.

Các bị can đã lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19, vì mục đích lợi nhuận, vụ lợi cá nhân, bất chấp các quy định của pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước;

Gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; Ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan, tổ chức và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế;

Làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo sơ hở để các thế lực thù địch xuyên tạc, kích động gây hoang mang trong quần chúng, nhân dân.

Song, để thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước đối với những người ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án, Cơ quan An ninh điều tra đã có những kiến nghị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho họ.

Trong đó có trường hợp ông Tô Anh Dũng, được cơ quan công an cho rằng, bị can đã nhận thức hành vi phạm tội, gia đình tự nguyện nộp lại 2 tỉ đồng.

Ông Dũng khai báo, ăn năn, hối cải; tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra để làm rõ hành vi phạm tội của bản thân và những người có liên quan; gia đình có công với cách mạng.

Bị can Kiên cũng được xác định thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, Kiên đã liên hệ, trả lại hơn 12 tỉ đồng cho đại diện các doanh nghiệp, cá nhân liên quan.

Ông Vũ Anh Tuấn cũng được ghi nhận ăn năn hối cải; gia đình nộp lại số tiền gần 3,4 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Ngoài ra, bị can có thành tích tích xuất sắc trong công tác, gia đình có công với cách mạng.

Cựu Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng được đề nghị xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự bởi bị can thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra.

Gia đình bị can Dũng đã nộp lại 50.000 USD và 600 triệu đồng tiền hưởng lợi bất chính. Quá trình công tác, ông Dũng có nhiều đóng góp cho xã hội, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen; gia đình có truyền thống cách mạng.

Người được đề nghị giảm nhẹ khác là ông Trần Văn Tân. Ông này được ghi nhận thái độ khai báo thành khẩn, nộp 2 tỉ đồng và gia đình có công với cách mạng.

Không nằm trong nhóm cựu quan chức trên, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng cũng được Cơ quan An ninh điều tra đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ.

Cơ quan chức năng cho rằng, bị can Hằng nhận thức được hành vi phạm tội của bản thân, tự thú, tự nguyện trình bày sai phạm, cũng như tích cực hợp tác với cơ quan điều tra.

Việc đề nghị giảm nhẹ cho bà Hằng là để động viên những người đưa hối lộ tố giác tội phạm, phản ánh tình trạng nhũng nhiễu của cơ quan nhà nước.

Bên cạnh các đề nghị trên, Cơ quan An ninh điều tra cũng cho rằng cần phải xử lí nghiêm những bị can quanh co, không hối cải.

Trong số này có bà Nguyễn Thị Hương Lan bị cáo buộc, không nhận thức được hành vi phạm tội, không ăn năn, hối cải; không hợp tác với cơ quan điều tra.

"Cần phải xử lí nghiêm trước pháp luật. Đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng", kết luận nêu về trường hợp bị can Hương Lan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn