Trong đại án Công ty Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố bị can Chu Ngọc Anh - cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Phạm Công Tạc - cựu Thứ trưởng Bộ KHCN về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Theo cáo buộc, Đề tài nghiên cứu, chế tạo kit test do Học viện Quân y chủ trì, Công ty Việt Á phối hợp thực hiện, sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước; mục đích để nghiên cứu ra quy trình công nghệ và sản xuất thử nghiệm sản phẩm là test xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu Đề tài thuộc về Nhà nước do Bộ trưởng Bộ KHCN là đại diện Chủ sở hữu cho đến khi nghiệm thu, báo cáo với cơ quan thẩm quyền theo quy định của Luật KHCN, Luật Quản lý tài sản công và pháp luật có liên quan.
Tuy nhiên, sau khi được Bộ KHCN thành lập Hội đồng đánh giá, nghiệm thu giai đoạn 1 Đề tài và Hội đồng có biên bản nghiệm thu giai đoạn 1 thì Công ty Việt Á đã quản lý, khai thác và sử dụng kết quả nghiên cứu của Đề tài, đưa vào sản xuất thương mại phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á khai đã đưa cho ông Chu Ngọc Anh 200.000 USD với mục đích cảm ơn ông này đã tạo điều kiện cho Công ty Việt Á tham gia Đề tài nghiên cứu, chế tạo kit test và không đề xuất biện pháp thu hồi khi Công ty Việt Á sử dụng kit test là kết quả nghiên cứu Đề tài thuộc sở hữu của Nhà nước để lập hồ sơ đăng ký, được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, sản xuất kinh doanh trái pháp luật.
Cũng theo kết luận, ông Tạc được phân công phụ trách lĩnh vực KHCN, trực tiếp theo dõi, quản lý, tổ chức thực hiện Đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm.
Ông Tạc biết rõ kết quả nghiên cứu thuộc quyền sở hữu Nhà nước, do Bộ KHCN làm đại diện chủ sở hữu cho đến khi nghiệm thu, báo cáo với cơ quan thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Tuy vậy, ông Tạc không thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý, không thực hiện xử lý kết quả đề tài nghiên cứu theo quy định.
Mặt khác, ông Tạc ký quyết định thành lập Hội đồng đánh giá, nghiệm thu giai đoạn 1 đề tài để Hội đồng họp, có biên bản nghiệm thu đánh giá, đề nghị Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit test.
Từ đó, Công ty Việt Á sử dụng biên bản này để lập hồ sơ đăng ký và được cấp số đăng ký lưu hành trái quy định pháp luật, biến kit test từ sản phẩm nghiên cứu của Nhà nước thành sản phẩm thương mại của doanh nghiệp.
Công ty Việt Á đã sản xuất kinh doanh thu lời bất chính kit test, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác. Ông Phạm Công Tạc hưởng lợi 50.000 USD do Phan Quốc Việt đưa.
Việc ông Tạc nhận tiền được xác định là yếu tố ''vụ lợi'' theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 219 BLHS và không đề nghị truy tố ông Tạc tội nhận hối lộ.
Về việc cùng hành vi nhận tiền nhưng các bị can bị đề nghị truy tố tội danh khác nhau, tại cuộc họp báo Chính phủ hôm 9.9, Trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn Bộ Công an cho rằng phương thức, cách thức, hoàn cảnh nhận tiền của các bị can trong vụ Việt Á này "rất khác nhau".
Có bị can đặt yêu cầu, nêu thỏa thuận, đặt điều kiện với đối tượng đưa tiền và họ nhận tiền xong mới xử lý việc. Nói cách khác, hai bên đặt yêu cầu vấn đề này. Có những bị can không đưa ra yêu cầu, điều kiện, thỏa thuận trong việc xử lý việc đó. Họ nhận tiền, quà sau khi công việc đã hoàn thành. Có những bị can nói là nhận quà biếu, quà tặng nhưng vẫn bị xử lý hình sự. Như vậy hành vi, động cơ nhận tiền khác nhau sẽ bị xử lý khác nhau.
Theo người phát ngôn Bộ Công an, việc khởi tố điều tra, đề nghị truy tố với các bị can được Bộ Công an tiến hành khoa học, thận trọng, khách quan, toàn diện, triệt để, thực hiện nghiêm quy định pháp luật.
Quán triệt đúng chủ trương nhân văn, nhân ái nhưng cũng rất nghiêm khắc mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chỉ đạo, có sự phân hóa rõ với từng bị can.