MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyễn Tiến Dũng - cựu nhân viên Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM chuẩn bị hầu toà. Ảnh: Hà Phương.

Lý do xử kín vụ án dâm ô xảy ra tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM

Nam Dương LDO | 14/05/2020 09:51

Dư luận đang quan tâm đến việc Toà án Nhân dân Quận Bình Thạnh, TPHCM sẽ đưa vụ án "Dâm ô với người dưới 16 tuổi" ra xét xử vào ngày mai 15.5. Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi vì sao phải xử kín, sao không xử công khai còn để răn đe người khác?

Bị cáo trong vụ án này là Nguyễn Tiến Dũng (sinh năm 1971, cựu nhân viên Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM) bị truy tố về tội danh theo Khoản 2, Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tuy nhiên, thông tin mới nhất phiên toà được xét xử kín. Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi vì sao phải xử kín, sao không xử công khai còn để răn đe người khác?

Luật sư Nguyễn Hữu Học, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết nguyên tắc chung là mọi vụ án đều được xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, nếu cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.

Về thành phần tham gia phiên tòa xử kín, luật sư Học cho biết chỉ có Hội đồng xét xử (gồm thẩm phán, hội thẩm nhân dân), kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch được tham gia phiên tòa. Ngay cả người thân của các đương sự trong vụ án cũng không được có mặt tại phiên tòa.

“Trong vụ án này, do có một số bị hại là trẻ em dưới 16 tuổi, do đó việc tòa án quyết định xử kín là đúng pháp luật. Mục đích của việc xử kính là để giữ thuần phong, mỹ tục của dân tộc, và đặc biệt là bảo vệ các bị hại, tránh để hình ảnh, tên tuổi của các em bị xuất hiện một cách không mong muốn trên các phương tiện truyền thông hay mạng xã hội, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống hiện tại và tương lai của các em”, luật sư Học phân tích.

Điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai.

Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng.

Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.

Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định các mức hình phạt với "Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" như sau:

1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn