MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nam thanh niên ở Phú Thọ bị triệu tập khi loan tin vụ chém lìa đầu giống ở Vĩnh Phúc

Mạng xã hội: Cách nào làm chủ “con dao 2 lưỡi”?

Bảo Thắng LDO | 24/07/2017 18:20
Chỉ một câu hô hoán khi nghi ngờ có kẻ bắt cóc trẻ em, trong tích tắc, hàng trăm người lao vào “đòn hội đồng”, không cần biết đúng sai. Có người bảo, đây là hiện tượng tâm lý đám đông, người khác lại nói, một phần do chính những thông tin thất thiệt ở các trang mạng xã hội trước đó.

“Là chất kịch độc nếu không có kháng thể đủ mạnh”

Theo đánh giá của luật sư Vi Văn A, Trưởng văn phòng luật sư số 7, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội: “Các thông tin trên mạng xã hội (MXH) sẽ là chất kịch độc nếu người tiếp nhận nó không có kháng thể đủ mạnh, không có đánh giá và bộ lọc tốt. Thực tiễn cho thấy, một số trang mạng xã hội loan tin thất thiệt, từ đó tác động đến một bộ phận người dân, gây ra những hậu quả khôn lường”.

Luật sư Vi Văn A dẫn chứng, thời gian gần đây, khi dư luận đang hoang mang vụ việc “chém lìa đầu” do mâu thuẫn với chủ hiệu cầm đồ ở tỉnh Vĩnh Phúc, ít ngày sau, một trang MXH (tài khoản facebook) đã loan tin ở Phú Thọ tái diễn một vụ án tương tự, nạn nhân cũng bị chém lìa đầu. Thông tin này lập tức tác động không nhỏ, tạo ra những hoang mang, cảm giác bất an về trật tự xã hội ở một bộ phận người dân. Với tình huống này, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đã phải triệu tập nam thanh niên tung tin thất thiệt để xử lý theo luật định.

Cũng là những “chất độc” về nguồn tin không xác thực, mới đây, dư luận lại xôn xao chuyện một tài khoản facebook loan tin có máy bay rơi ở khu vực sân bay quốc tế Nội Bài, kèm theo là tấm hình lờ nhờ ở một cánh đồng. Ngay sau đó, thông tin thất thiệt đã gây ồn ào không đáng có, buộc cơ quan công an vào cuộc điều tra và phía hãng hàng không phải lên tiếng trấn an dư luận.

Hay hồi đầu tháng 6 vừa qua, có 2 tài khoản facebook đã loan tin có 8 người bắt cóc trẻ em ở thành phố Đà Nẵng. Ngay khi tung tin thất thiệt, không ít người dân ở thành phố này cảm thấy bất an, hoang mang tột độ. Và, ngay sau đó, cơ quan công an đã phải vào cuộc xác minh. Theo đó, hai cô gái Phạm Thị Minh Trang và Nguyễn Thị Ngọc (cùng 26 tuổi, ở thành phố Đà Nẵng) khai nhận, do muốn bán hàng trên mạng (online) nên đã cố tình tạo ra tin giật gân để “câu like”.

Cần “tiêm phòng vắc xin” định kỳ

Đánh giá về sự phát triển của MXH, luật sư Vi Văn A phân tích, đó là sự tồn tại tất yếu, nó là tự do ngôn luận, tự do thông tin, là sự điều chỉnh tất yếu, là quyền được tiếp cận internet, là sự hội nhập quốc tế. “Chính vì vậy, điều kiện cần và đủ chính là biến MXH thành công cụ chứ không trở thành công cụ của MXH” – luật sư Vi Văn A nói thêm.

Cùng luận bàn về vấn đề này, luật sư Nguyễn Phương Nam, Trưởng văn phòng luật sư số 10, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nêu quan điểm: “Nếu ta ví mạng xã hội như một loại vi rút kịch độc, việc đầu tiên cần làm chính là tiêm phòng vắc xin định kỳ. Nghĩa là, người tiếp nhận thông tin phải tự trang bị cho mình những kiến thức nền căn bản khi tiếp cận các thông tin trên MXH, phải tạo ra những kháng thể để ứng phó với các luồng thông tin độc hại, chưa được kiểm chứng”.

Dưới góc độ quản lý, luật sư Hà Đăng - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, các cơ quan chuyên môn cần có những định hướng, xây dựng một môi trường thông tin chính thống, lành mạnh, định hướng đúng đắn cho xã hội, qua đó, sẽ “trấn áp” các luồng thông tin “bẩn”, thất thiệt.

“Ngoài việc đáp ứng các trang thiết bị về kỹ thuật, phối hợp với các nhà mạng khi cung cấp thông tin, nhà quản lý cần hoàn thiện khung pháp lý, bằng việc cụ thể hoá các thể chế vào văn bản quy phạm pháp luật, qua đó, sẽ đưa câu chuyện thông tin trên MXH vào đường ray, phát triển có định hướng, kiểm soát” – luật sư Hà Đăng nói thêm.

 

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn