MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phiên toà xét xử các bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng. Ảnh: Quang Việt

Mánh vay tiền qua $NAP của FE Credit để lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu

Việt Dũng LDO | 09/04/2023 08:39
Hà Nội - Lợi dụng sơ hở từ ứng dụng $NAP của FE Credit, vay tiền, giải ngân dễ dàng, Nguyễn Thị Thanh Thanh thuê người làm giả giấy tờ, thực hiện 22 vụ lừa đảo.

Theo hồ sơ, khoảng tháng 8.2018, Công ty Tài chính FE Credit hỗ trợ vay vốn không cần hóa đơn tiền điện, đăng kí xe. Khách chỉ cần có điện thoại thông minh, sim điện thoại, email thư điện tử và bản chụp hai mặt chứng minh nhân dân...

Người dùng tải ứng dụng $NAP của FE Credit về điện thoại di động; Mở "Hợp đồng"; Chụp ảnh chân dung hiện tại của bên vay (vào mặt) và thực hiện các thao tác theo hướng dẫn để tạo hợp đồng vay tiền. Thao tác cuối cùng là gửi các thông tin và "Hợp đồng" cho FE Credit qua ứng dụng trên.

Nếu hồ sơ được duyệt cho vay, phía FE Credit sẽ nhắn tin đến số điện thoại hoặc gửi vào email ghi trên hợp đồng để báo mã số bí mật hoặc nhắn tin báo đã giải ngân vào tài khoản.

Khi được giải ngân, bên vay cầm chứng minh nhân dân và điện thoại có tin nhắn báo mã số bí mật đến bưu điện hoặc ngân hàng, làm thủ tục rút tiền. Số tiền vay cụ thể sẽ được quyết định căn cứ nhiều điều kiện, khoảng 5-35 triệu đồng.

Lợi dụng chính sách trên, Nguyễn Thị Thanh Thanh (44 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) kết hợp với người phụ nữ tên Lan (chưa xác định được nhân thân) bàn bạc nhau lừa đảo bằng việc làm giả chứng minh nhân dân và sim rác để làm thủ tục gửi hồ sơ vay qua ứng dụng của FE Credit.

Lan có sẵn file mềm giấy chứng minh nhân dân và chỉ Thanh cách tạo phần mềm này để phục vụ việc vay vốn trên dứng dụng. Thao tác bằng cách: Ghép một ảnh thẻ vào file mềm của chứng minh nhân dân và chụp ảnh chân dung thực tế của bất kì người nào; sau đó gửi lên hệ thống để xin vay vốn.

Các đối tượng sẽ dùng sim rác để nhận thông tin liên lạc trên hệ thống. Sau khi FE Credit đồng ý giải ngân và gửi tin nhắn, Thanh và Lan thuê người đi rút tiền. Họ dùng ảnh của người đi rút tiền để làm giả bản cứng chứng minh nhân dân khi xuất trình tại các bưu cục bưu điện và ngân hàng.

Sau một thời gian, Thanh mua lại máy tính của Lan bên trong có chứa file mềm chứng minh nhân dân để hoạt động độc lập.

Qua quan hệ xã hội, Thanh gặp Phạm Thị Thanh Nga và rủ người phụ nữ này cùng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của FE Credit.

Thanh nói về ứng dụng $NAP và cho Nga biết các bước lập hồ sơ xin vay tiền của công ty tài chính trên, cũng như giá thuê người đi rút tiền.

Sau đó, Thanh rủ Nga làm giả hồ sơ xin vay vốn. Khi được giải ngân sẽ rút tiền chia nhau, sau khi trừ các loại chi phí thuê người rút tiền, mua sim điện thoại...

Thanh chịu trách nhiệm liên hệ làm giả bản mềm chứng minh nhân dân, chuẩn bị sim điện thoại, thuê người làm bản cứng chứng minh... Nga thuê người đi rút tiền. Còn việc lập tài khoản online, hộp thư điện tử, cả hai cùng làm.

Ngày 22.5.2019, Thanh và Nga sử dụng ảnh của anh Nguyễn Kiến H để làm giả bản mềm chứng minh nhân dân cùng với các thao tác khác, làm hồ sơ đề nghị vay hơn 35 triệu đồng, giải ngân qua bưu cục của VietNamPost.

Thanh chuyển thông tin cho Lan, nhờ tìm người rút tiền và làm giả bản cứng chứng minh nhân dân. Sau khi tìm được một người đàn ông trung niên quê ở Hưng Yên, Thanh và Nga bảo ông này đi rút tiền, trả công tổng cộng 3 triệu đồng.

Trong vụ cuối cùng diễn ra ngày 11.6.2019, Thanh và Nga thuê người đến bưu cục VietNamPost tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định rút 33 triệu đồng. Cùng ngày, họ còn cầm chứng minh nhân dân giả đến một ngân hàng tại TP Nam Định rút 17,4 triệu đồng.

Rút xong hơn 50 triệu đồng, nhóm Thanh cùng nhau về Hà Nội nhưng bị Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phát hiện. Tại nhà riêng của Thanh, cơ quan điều tra thu thêm 3 sổ hộ khẩu giả và 7 giấy chứng minh nhân giả "chưa kịp sử dụng".

Với thủ đoạn như trên, theo cáo buộc, trong vòng một tháng từ 11.5-11.6, Thanh và Nga và các đồng phạm đã làm giả nhiều giấy chứng minh nhân dân, thực hiện 22 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 602 triệu đồng của FE Credit.

Thanh và đồng phạm đã rút tiền tại nhiều bưu cục và các chi nhánh ngân hàng khắp 6 tỉnh Hoà Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nội, Thanh Hoá và Ninh Bình.

Ngoài Thanh và Nga, liên quan đến vụ án còn có 9 người khác cũng có hành vi làm giả hồ sơ để vay tiền ngân hàng, tổ chức tín dụng. Trong 9 người này có 2 phụ nữ nguyên cán bộ ngân hàng ANZ và VPBank.

Hôm 5.4 vừa qua, Thanh, Nga và 9 bị cáo khác bị đưa ra xét xử tại TAND Hà Nội về các tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức".

Toà đã tuyên phạt Thanh 13 năm 6 tháng, Nga 11 năm 6 tháng về hai tội trên. 9 bị cáo còn lại bị tuyên từ 1 năm đến 15 năm tù giam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn