MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nữ quái bắt cóc bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh - Nguyễn Thị Thu khi bị bắt giữ. Ảnh: Cơ quan công an.

"Mẹ mìn" bắt cóc bé trai ở Bắc Ninh đối diện tội danh, hình phạt nào?

Việt Dũng LDO | 23/08/2020 06:34

Nguyễn Thị Thu (32 tuổi) được xác định là nghi phạm bắt cóc bé trai Nguyễn Cao Gia Bảo ở thành phố Bắc Ninh, có dấu hiệu của tội "Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi".

Khoảng 21h30 ngày 22.8, Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Ninh và Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Tuyên Quang đã giải cứu an toàn cháu bé bị mất tích Nguyễn Cao Gia Bảo (Sinh ngày 5.4.2018, ở thành phố Bắc Ninh).

Đồng thời cơ quan chức năng đã bắt giữ hai nghi phạm là Nguyễn Thị Thu (32 tuổi) và Đặng Văn Bằng (33 tuổi).

Theo ông Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội), đây là chiến công xuất sắc của lực lượng Công an nhân dân nói chung và Công an Tỉnh Bắc Ninh nói riêng vì nước quên thân, vì dân phục vụ với với nhiệm vụ cao cả là gìn giữ sự bình yên của mỗi gia đình và xã hội. Chỉ sau hơn 24 giờ, lực lượng công an đã phá án thành công, giải cứu bé trai.

Cũng theo ông Thơm, để có căn cứ xử lý các đối tượng, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ, mục đích bắt cóc cháu bé để xử lý tương ứng về hành vi phạm tội theo quy định của pháp luật.

Dưới góc độ pháp lý, hành vi đưa cháu bé rời khỏi sự quản lý của bố mẹ mà không được sự đồng ý đã cấu thành tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 153 Bộ luật hình sự.

Luật sư cho rằng, hành vi phạm tội của đối tượng là nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền được chăm sóc, nuôi và sống chung với cha mẹ, quyền được bảo vệ của trẻ em.

Hành vi đó gây tâm lý hoang mang lo lắng trong quần chúng nhân dân bởi vấn nạn bắt cóc trẻ em đã và đang diễn ra trong xã hội. Ông Thơm nêu cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để làm gương cho những kẻ đã và đang có ý định phạm tội.

Điều 153. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 3-7 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5-10 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp; Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; Đối với từ 2 - 5 người; Phạm tội 2 lần trở lên; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 - 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 - 15 năm: Có tính chất chuyên nghiệp; Đối với 06 người trở lên; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân chết; Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn