MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vợ chồng anh Tùng, chị Thu dù thắng kiện nhưng gian nan trong việc lấy lại tài sản. Ảnh: Thanh Tuấn

Mỏi mòn chờ thi hành án khi bị đơn có dấu hiệu tẩu tán tài sản

THANH TUẤN LDO | 01/10/2023 13:28

Trong nhiều vụ án dân sự, phía bị đơn đã tận dụng kẻ hở của pháp luật, trước khi có đơn khởi kiện đã mau chóng chuyển nhượng toàn bộ tài sản, đất đai cho cá nhân khác, nhiều dấu hiệu trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.

Khi hàng xóm vay mượn tiền không chịu trả

Ngày 1.10, Toà án nhân dân (TAND) huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai cho biết, đang thụ lý 2 vụ án về tranh chấp quyền sử dụng đất liên quan đến tài sản thi hành án.

Theo hồ sơ, do quen biết và cũng là hàng xóm của nhau nên năm 2017, 2018, vợ chồng anh Phan Xuân Tùng (nguyên đơn, trú thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông) cho vợ chồng nhà hàng xóm là ông L và bà N (bị đơn) vay mượn nhiều lần với số tiền 1 tỉ 970 triệu đồng để làm ăn, mua nhà.

Nhưng sau đó, người vay không trả lại tiền, dù vợ chồng anh Tùng đã kêu van nhiều lần. Cả hai buộc phải dẫn nhau ra toà, tình làng nghĩa xóm “sứt mẻ”.

Ngày 16.11.2020, toà phúc thẩm TAND tỉnh Gia Lai tuyên giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm 19/2019/DS-ST của TAND huyện Chư Prông, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng Phan Xuân Tùng và chị Nguyễn Thị Thu, buộc bà N và ông L phải trả nợ số tiền 1 tỉ 970 triệu đồng và hơn 500 triệu đồng tiền lãi vay.

TAND tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với 2 mảnh đất và một chiếc xe ôtô của vợ chồng bà N và ông L, đảm bảo cho việc kê biên, thi hành án để trả nợ.

Mảnh đất trên đường Phan Đình Phùng có tranh chấp, làm kéo dài thời gian thi hành án. Ảnh: Thanh Tuấn

Tuy nhiên, qua nhiều năm đi hầu toà, khởi kiện cho đến ngày thắng kiện, vợ chồng anh Tùng hiện vẫn chưa nhận lại được tài sản của mình, gian nan chờ thi hành án. Nguyên nhân là tài sản kê biên tiếp tục có tranh chấp, được TAND huyện Chư Prông giải quyết, thụ lý.

Lao đao vì kiện tụng chồng lên nhau

Vợ chồng anh Tùng từ người thắng kiện bây giờ lại phải “đáo tụng đình”, tiếp tục tham gia vào 2 vụ kiện khác với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đại diện TAND huyện Chư Prông cho biết, đối với mảnh đất tại đường Phan Đình Phùng (thị trấn Chư Prông), sau khi TAND tỉnh Gia Lai ra phán quyết kê biên để trả nợ thì lại có đơn kiện tranh chấp quyền sử dụng đất, dự kiến xét xử vào ngày 10.10.2023.

Còn mảnh đất trên đường Kpă Klơng (thị trấn Chư Prông), TAND huyện cũng đang có công văn kiểm tra các thủ tục chuyển nhượng tài sản cũng như tính pháp lý của hợp đồng công chứng. Phía bị đơn là ông L, bà N đã chuyển nhượng nhiều tài sản cho cá nhân khác.

Riêng chiếc xe ôtô hiệu TUCSON là tài sản dùng để trả nợ, hiện cơ quan chức năng cũng chưa rõ đang ở đâu để kê biên thi hành án.

Ngày 29.9, trao đổi với báo Lao Động, thẩm phán Võ Văn Quảng, TAND huyện Chư Prông cho biết: “Theo quy định thời hạn giải quyết, thụ lý vụ án dân sự là 4 tháng, nhưng khi có lý do khách quan, khó khăn trong thu thập chứng cứ… thì phải “chạy” lại cách tính thời hiệu từ đầu. Vì vậy, vụ án khởi kiện từ năm 2020 nhưng đến năm 2023 vẫn chưa đưa ra xét xử được”.

Trong nhiều vụ án dân sự, phía bị đơn đã tận dụng kẻ hở của pháp luật, trước khi có đơn khởi kiện đã chuyển nhượng toàn bộ tài sản, đất đai cho cá nhân khác, nhiều dấu hiệu trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Việc chuyển nhượng trước khi toà án có quyết định ngăn chặn, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Mặc dù toà phúc thẩm TAND tỉnh Gia Lai tuyên thắng kiện, bản án có hiệu lực pháp luật nhưng nguyên đơn có thể bị kéo dài thời gian nhận lại tiền và tài sản của mình.

Kết quả bản án phúc thẩm bị “treo”, do người thua kiện chưa có tài sản để thi hành án, hoặc khoản nợ đó coi như… món nợ suốt đời, đến khi nào bị đơn có tài sản mới trả lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn