MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình (thứ 3 từ trái qua) trong một phiên toà. Ảnh: Ngô Nguyên

Mối quan hệ giữa sếp Ngân hàng Đông Á với công ty nợ như chúa chổm

Việt Dũng LDO | 02/02/2023 12:07

Mặc dù Công ty M&C đang vay số tiền lớn của Ngân hàng Đông Á và đã đủ hạn mức, song bị can Trần Phương Bình vẫn phát hành thư bảo lãnh thanh toán trái phiếu cho đối tác nợ "đầm đìa" này khiến thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.

Viện KSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Trần Phương Bình - cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á (DAB) và 7 người khác về các hành vi vi phạm hoạt động ngân hàng, trong đó có việc bảo lãnh thanh toán trái phiếu Công ty cổ phần M&C phát hành.

Theo cáo buộc, Công ty cổ phần M&C do Phùng Ngọc Khánh làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Năm 2009, các công ty của Phùng Ngọc Khánh gặp khó khăn về tài chính, không có khả năng chi trả hoạt động kinh doanh và trả nợ; DAB đã cho nhóm Công ty CP M&C vay đủ hạn mức.

Do đó, Khánh phải vay vốn tại Ngân hàng An Bình với hình thức phát hành trái phiếu của Công ty CP M&C.

Để được vay vốn, Khánh đã nhờ Trần Phương Bình chỉ đạo DAB phát hành Thư bảo lãnh thanh toán trái phiếu gửi Ngân hàng An Bình. Thực tế, Công ty CP M&C không đủ điều kiện để phát hành trái phiếu.

Ngày 30.12.2009, Phùng Ngọc Khánh, đại diện Công ty CP M&C ký Giấy đề nghị DAB phát hành thư bảo lãnh; Mục đích bảo lãnh: Bảo lão về nghĩa vụ trái phiếu Công ty CP M&C với mã là MC_BOND2009 phát hành ngày 31.12.2009;

Mục đích phát hành trái phiếu sử dụng số tiền thu được để đầu tư vào hai dự án Spring Walk An Phú và Cao ốc số 353 Nguyễn Trọng Tuyển; Trị giá bảo lãnh tối đa là 120 tỉ đồng mệnh giá trái phiếu và tiền lãi trong kì hạn của trái phiếu (3 năm);

Thời hạn bảo lãnh từ ngày 31.12.2009 đến ngày 11.2.2013; Người thụ hưởng bảo lãnh là Ngân hàng TMCP An Bình; Tài sản bảo đảm hơn 2,6 triệu cổ phiếu của Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C thuộc sở hữu của Công ty CP M&C.

Ngày 30.12.2009, Ngân hàng An Bình có văn bản gửi Công ty CP M&C và DAB về việc đăng ký mua 120 tỉ đồng trái phiếu (mã MC_BOND2009) do Công ty CP M&C phát hành và đề nghị DAB phát hành Thư bảo lãnh đối với số lượng trái phiếu này.

Ngày 31.12.2009, bị can Bình ký thư bảo lãnh thanh toán trái phiếu với điều kiện, DAB thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho Công ty M&C khi ngân hàng nhận được hồ sơ yêu cầu thực hiện bảo lãnh của Ngân hàng An Bình.

Cùng ngày, Ngân hàng An Bình ký hợp đồng mua trái phiếu và thanh toán 120 tỉ đồng cho Công ty M&C.

Trái ngược với mục đích phát hành trái phiếu, Công ty M&C đã sử dụng số tiền này để trả nợ cho các đối tác và sử dụng cho các mục đích khác.

Đến ngày 20.2.2013, Ngân hàng An Bình có văn bản đề nghị DAB thanh toán, gốc lãi lô trái phiếu trên.

Do Công ty M&C không có khả năng thanh toán, lo ngại sẽ ảnh hưởng đến uy tín ngân hàng nên ngày 28.2.2014, DAB cấp tín dụng cho Công ty M&C vay 120 tỉ đồng.

Công ty M&C tiếp tục dùng số cổ phần Công ty Địa ốc Sài Gòn M&C làm tài sản đảm bảo với dư nợ vay tối đa 18,3 tỉ đồng, phần còn lại là vay tín chấp.

Ngay sau khi DAB giải ngân, Công ty M&C dùng 120 tỉ đồng vay để thanh toán lô trái phiếu trên cho Ngân hàng An Bình.

Ngoài ra, vào tháng 4-5.2013, DAB tiếp tục giải ngân cho Công ty M&C 26 tỉ đồng, Công ty Biển Bạc 25 tỉ đồng để thanh toán lãi trái phiếu. Tuy nhiên, hai khoản vay này đã tất toán xong nên không xem xét trách nhiệm các cá nhân liên quan.

Tổng cộng Công ty M&C đã thanh toán nợ trái phiếu hơn 187,6 tỉ đồng và 17,2 tỉ đồng phí phát hành thư bảo lãnh cho DAB.

Lời khai của Phùng Ngọc Khánh thể hiện, Công ty M&C không có khả năng thanh toán gốc và lãi trái phiếu nên buộc phải sử dụng tiền vay của DAB để trả nợ.

Cơ quan điều tra xác định, Công ty M&C vi phạm điều kiện phát hành trái phiếu tại Khoản 1, Điều 4 và Điều 17 Nghị định 52/2006 ngày 19.5.2006 của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Việc DAB bảo lãnh thanh toán trái phiếu vi phạm quy chế của ngân hàng. Khi cho vay bắt buộc, các cán bộ DAB tiếp tục vi phạm quy định khi cho vay không có bảo đảm, khách hàng không đủ điều kiện cấp tín dụng về mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp…

Đặc biệt, do Công ty M&C không đủ điều kiện phát hành trái phiếu và hơn 2,6 triệu cổ phần thế chấp không đủ căn cứ để định giá nên khoản vay này không có tài sản đảm bảo.

Sai phạm của bị can Trần Phương Bình và các đồng phạm gây thiệt hại cho DAB hơn 462,3 tỉ đồng.

Trong khi đó, qua xác minh tài sản đảm bảo tại Công ty Địa ốc Sài Gòn MC (nay là Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower) thấy rằng, giá trị tòa nhà Sài Gòn One 41 tầng đang xây dựng dở dang.

Năm 2009, công ty này đã thế chấp toàn bộ quyền sở hữu và quyền khai thác tòa nhà để vay hơn 98,9 triệu USD của DAB và Vietcombank.

Qua nhiều lần chuyển nhượng cổ phần, chuyển bán nợ, hiện nay tòa nhà này là tài sản bảo đảm cho khoản nợ gốc hơn 4.728 tỉ đồng tại SCB.

Ngoài ra, Công ty M&C của ông Khánh đã vay 7 khoản tại DAB đến nay gây thiệt hại cho ngân hàng tổng cộng hơn 5.500 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn