MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lớp dạy giáo dục giới tính giúp trẻ em nhận thức và phòng ngừa bị xâm hại tại TPHCM. Ảnh: K.Q

Mua bán phụ nữ, xâm hại trẻ em: Cần quan tâm đến người lao động nhập cư

MINH PHẠM LDO | 18/06/2017 14:00
Xâm hại trẻ em, mua bán phụ nữ là những vấn đề nhức nhối và gây bất an hiện nay. Đáng chú ý, tại TPHCM, người lao động nhập cư là đối tượng dễ rơi vào cạm bẫy của bọn tội phạm.

Đến TPHCM mưu sinh nhưng bị bán

Nói về tình trạng xâm hại trẻ em, ông Nguyễn Văn Tính - Phó Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) - cho biết, theo báo cáo từ 24 quận/huyện TPHCM tính từ đầu năm đến nay, trên thành phố xảy ra hơn 100 trường hợp xâm hại, hành hạ trẻ em. Nhiều trường hợp trong số này là gia đình lao động nhập cư, điều kiện sống và sinh hoạt còn thấp.

Ông Lê Quan Quý - Chi cục phó Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TPHCM - cho biết, cũng trong thời gian này đã tiếp nhận 5 cô gái trở về từ Liên bang Nga. Cả 5 cô gái đều là nạn nhân của nạn buôn bán phụ nữ ra nước ngoài và là người dân nhập cư, 4 cô ở Cà Mau và 1 cô ở Ninh Thuận từng đến TPHCM làm ăn nhưng rồi bị dụ dỗ, trở thành nạn nhân. Khi được trở về, họ có tâm lý vô cùng sợ hãi, nhất là sợ trả thù và sợ sự kỳ thị của cộng đồng dân cư.

Ở góc độ của phía công an, trung tá Phan Văn Tặng - Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM - cho biết, tính từ năm 2016 đến nay, thành phố đã xác minh 14 vụ việc liên quan đến mua bán phụ nữ ra nước ngoài. Tuy nhiên, do vụ việc xảy ra ở nước ngoài nên công an chưa xử lý được đối tượng nào. Đối tượng thường lừa nạn nhân đưa qua Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Nga… để làm mại dâm hoặc ép lấy chồng.

Trung tá Phạm Văn Tặng khẳng định chưa xảy ra tình trạng bắt cóc trẻ em bán ra nước ngoài hoặc bắt cóc trẻ em lấy nội tạng như nhiều kênh thông tin phản ánh. Tuy nhiên, tình trạng bắt cóc trẻ em thì không thể phủ nhận. Tháng 5.2017, Phòng CSHS và Công an huyện Cần Giờ phối hợp điều tra, khám phá 1 đối tượng bắt cóc trẻ em là con riêng của tình nhân, xảy ra tại huyện Cần Giờ. Đối tượng bán em bé cho một gia đình ở Cần Thơ đang tạm trú ở huyện Bình Chánh.

Bề nổi của tảng băng trôi

Theo ông Nguyễn Văn Tính thì những số liệu được nêu ở trên chỉ là “bề nổi của tảng băng trôi”, ông Tính cho rằng, thực tế con số có thể lớn hơn rất nhiều vì nhiều vụ việc không được tố giác. TPHCM cũng là một địa bàn nhiều yếu tố “rình rập”. Theo báo cáo của Phòng LĐTBXH các quận/huyện, tính đến thời điểm hiện tại, số trẻ em 16 tuổi trên địa bàn thành phố là trên 1.500.000 em, trong đó có trên 13.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, 35.000 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trên 25.000 trẻ trong gia đình hộ cận nghèo, số trẻ dưới 15 tuổi đang tạm trú là trên 348.000 trẻ. Với một thực trạng dân số như trên, vấn đề xâm hại trẻ em không thể 
coi nhẹ.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cũng cho rằng, vấn đề xâm hại trẻ em và buôn bán phụ nữ còn nhiều hơn rất nhiều những con số được công khai. Bà dẫn chứng, trong số 90 vụ án xâm hại tình dục mà bà tiếp cận thì chỉ có 11 vụ xử được, còn lại luật sư cũng vô cùng đau lòng và bất lực bởi chứng cứ cho những vụ xâm hại quá mong manh. Bên cạnh đó, xâm hại tình dục thủ phạm đa phần là người thân, người quen nên việc tố giác càng khó khăn.

Theo bà Nữ, phải ngăn ngừa tình trạng này bằng cách tuyên truyền pháp luật cho các gia đình. Đặc biệt, muốn chấm dứt tình trạng buôn bán phụ nữ thì phải thực hiện từ gốc. Các tổ chức phải giúp đào tạo nghề và tạo cơ hội việc làm cho chị em phụ nữ.

Bên cạnh đó phải tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống mua bán người và thủ đoạn của tội phạm mua bán người đến khu dân cư có nhiều người lao động nhập cư, công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, học sinh, sinh viên, nhất là phụ nữ và trẻ em có nguy cơ cao do thiếu kiến thức, trình độ văn hóa thấp… để nâng cao tinh thần cảnh giác trước những cám dỗ, lừa gạt của tội phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn