MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hồ sơ đăng kiểm giả được chào bán công khai trên mạng. Ảnh: Minh Hạnh

Mua đăng kiểm giả - tiền mất, tội mang

Đỗ Hạnh LDO | 20/04/2023 07:00

Theo Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), thời gian gần đây, cảnh sát giao thông (CSGT) tại nhiều địa phương liên tiếp phát hiện lái xe sử dụng giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật giả để lưu thông trên đường. Những người này đã thông qua mạng xã hội để mua giấy tờ giả với mục đích qua mắt lực lượng chức năng.

Chào mời công khai, che giấu giao dịch

Theo anh Nguyễn Văn Tuấn (ở Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội) do một số trung tâm đăng kiểm bị tạm dừng hoạt động, nên thời gian qua việc đăng kiểm xe rất mất thời gian. Chia sẻ với nhóm bạn, anh được tư vấn lên mạng xã hội "mua tạm" tem đăng kiểm giả để tiện lưu thông. Vào google gõ cụm từ “lambangcapgia”, kết quả anh nhận được lời chào mời từ trang này với nội dung: Đây là hình thức mà khách hàng có nhu cầu cung cấp thông tin theo yêu cầu của các trung tâm cung cấp dịch vụ để cho mình "giấy đăng kiểm mô phỏng y như bản gốc". Đây là phôi thật (phôi Nhà nước), giá siêu rẻ chỉ từ 3 triệu đồng, bảo mật thông tin - không lưu giữ thông tin thật của bạn bằng bất cứ hình thức nào, không cần đặt cọc sẽ "làm giấy đăng kiểm trước, thu tiền sau".

Từ thông tin của anh Tuấn, PV Báo Lao Động đã lên mạng xã hội thử tìm kiếm thông tin mua bán đăng kiểm, giấy tờ giả trên mạng thì quả thật đó là cả một thế giới làm giả đủ mọi giấy tờ với nhiều mức giá khác nhau. Chẳng hạn, tại nhóm “Làm giấy đăng kiểm giả”, chủ tài khoản tên Phúc Hoàng có số zalo 09020122XX công khai hỗ trợ bán đăng ký xe, giấy phép lái xe và đăng kiểm đồng giá 700.000 đồng. Còn tài khoản “Làm đăng kiểm xe toàn quốc” báo giá: Bộ đăng kiểm gồm số và 2 tem 2,5 triệu đồng. Nhiều đối tượng trên facebook nhưng lại yêu cầu phải giao dịch trên zalo và phải đặt cọc khi đặt mua đăng kiểm giá 3 triệu đồng và đăng ký xe giá 1,5 triệu đồng.

Điều nguy hại là các tài xế biết hậu quả của việc sử dụng giấy tờ giả là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự, song người mua - bán giấy tờ giả vẫn giao dịch như chưa hề có quy định cấm.

Mức phạt không nhẹ

Thống kê từ năm 2022 đến nay, lực lượng CSGT các địa phương đã phát hiện hàng chục trường hợp xe ôtô sử dụng giấy chứng nhận, tem kiểm định không do cơ quan có thẩm quyền cấp và đã khởi tố 4 vụ có hành vi "Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức" với 6 bị can. Cụ thể, ngày 21.3 tại QL70 thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ, CSGT Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện xe BKS 22H-002.7x kéo theo sơmi rơmoóc BKS 22R-005.6x có biểu hiện vi phạm. Qua kiểm tra, phát hiện giấy đăng ký xe và giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, tem kiểm định bị làm giả. Chủ xe thừa nhận do phương tiện hết hạn đăng kiểm và khó đăng kiểm nên mua bộ giấy tờ giả nêu trên để tiếp tục hoạt động kinh doanh vận tải.

Trước đó ngày 19.3, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 4, Cục Cảnh sát giao thông phát hiện ôtô khách biển số 20B-031.1x đang lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên sử dụng giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã hết hạn sử dụng từ tháng 9.2020, tiếp tục đối chiếu với tem kiểm định và tem nộp phí bảo trì đường bộ, lực lượng chức năng phát hiện không trùng khớp với giấy chứng nhận kiểm định...

Thiếu tá Phạm Đức Hoàng - Đội trưởng Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cảnh báo: Các lái xe sử dụng tem đăng kiểm giả không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cho các phương tiện. Xe hết hạn đăng kiểm nếu không thông qua các cơ quan kiểm tra, kiểm định mà vẫn cố tình lưu thông trên đường có thể gây tai nạn giao thông, hậu quả rất khó để đoán trước được.

Theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 và Khoản 126 Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017, hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác như giấy tờ xe, đăng ký xe, đăng kiểm giả... của cơ quan, tổ chức thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

Hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả cũng bị phạt tiền từ 800.000 - 4 triệu đồng đối với người điều khiển xe môtô hai bánh; phạt từ 4 - 6 triệu đồng với người điều khiển xe ôtô, máy kéo... theo Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Còn đối với chủ xe sử dụng tem kiểm định giả có thể bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng theo Điểm B, Khoản 6, Điều 16 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 9, Điều 2, Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Luật pháp đã quy định và có mức xử phạt cụ thể đối với hành vi sử dụng giấy tờ xe, đăng kiểm giả, mức phạt cũng không nhẹ. Vậy nên mỗi tài xế phải chấp hành quy định của pháp luật, không tiếp tay cho các hành vi làm giả giấy tờ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn