MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mức xử phạt những trường hợp bán hàng tại chợ cóc lấn chiếm vỉa hè

KHÁNH AN - PHƯƠNG ANH LDO | 08/04/2023 08:28
Việc chợ cóc, chợ tạm "mọc lên như nấm" gây mất mĩ quan đô thị, cản trở giao thông. Vì vậy, cần mạnh tay xử phạt những trường hợp vi phạm. Dư luận quan tâm, mức xử lý đối với các trường hợp đó như thế nào?

Nhắc đến chợ cóc, bà Trần Lệ Thủy (Hồ Tùng Mậu, Hà Nội) vẫn nhớ như in cảm giác hoảng sợ khi bất ngờ bị một xe máy va quẹt vào bà cùng cháu trai.

"Lúc ấy tôi đang dắt tay cháu để đứng mua hàng thì có chiếc xe máy vì tránh ôtô con mà đánh lái vào nơi hai bà cháu tôi đang đứng.

Dù chỉ bị xây xước ngoài da nhưng từ sau lần đó, mỗi lần đi chợ tôi đều có cảm giác bất an và lo lắng" - bà Thủy kể lại. 

Cảnh buôn bán tại một chợ cóc quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Phương Anh

Là tiểu thương đã buôn bán 21 năm ở chợ cóc tại ngõ Trần Quốc Vượng (Cầu Giấy, Hà Nội), bà Đ.T.H cho biết, những khách hàng tại chợ cóc chủ yếu là khách quen. 

Vì hàng quán được bày bán theo dọc con ngõ nhỏ nên mỗi khi trời mưa, các chủ sạp phải nhanh chóng dọn dẹp. 

Bà H chia sẻ thêm: "Buôn bán ở chợ tạm như thế này thì phải chấp nhận cảnh trời nắng, trời mưa không có gì che chắn. Mỗi khi lực lượng chức năng đi kiểm tra thì chúng tôi lại chạy. Lực lượng kiểm tra đi rồi thì lại bày ra bán".

Có thể thấy, tình trạng chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất mĩ quan đô thị, cản trở giao thông. Không chỉ vậy, chính những người bán hàng cũng luôn trong trạng thái nơm nớp lo sợ vì có thể bị xử phạt bất cứ lúc nào.

  Chợ cóc tại phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy). Ảnh: Phương Anh 

Theo luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TPHCM), Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè đường bộ có thể bị xử phạt theo quy định nêu trên với mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức.

Đối với hành vi lấn sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông chiếm lòng lề đường có thể phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức.

Theo quy định tại Điều 74 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi điểm d khoản 26 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về phân định thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thì người có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi này bao gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này trong phạm vi quản lý của địa phương mình; Cảnh sát giao thông; Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất; Thanh tra giao thông vận tải, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường bộ.

  Người dân tụ tập buôn bán ngoài đường tại phường Tây Mỗ và phường Phú Đô (Nam Từ Liêm). Ảnh: Khánh An 

Mới đây, UBND Thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện công tác giải tỏa chợ cóc, chợ tạm, các tụ điểm kinh doanh tự phát gây bức xúc dư luận (hiện nay, trên địa bàn Thành phố còn tồn tại 40 chợ cóc cần phải giải tỏa trong thời gian tới). Thành phố đã phân cấp mạnh mẽ, giao toàn quyền cho các quận, huyện, thị xã triển khai công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn