MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một đoạn Sông Cà Ty nơi ông H.P.T cho rằng có "kho báu 3 tấn vàng". Ảnh: Duy Tuấn

Muốn khai thác kho báu, cần thực hiện những gì?

Nam Dương LDO | 09/04/2024 15:59

Thông tin về việc ông H.P.T (ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận cho phép khai thác “kho báu có 3 tấn vàng” dưới sông Cà Ty (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), được dư luận quan tâm. Câu hỏi đặt ra, việc khai thác “kho báu” sẽ được thực hiện thế nào theo quy định của pháp luật?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam - cho biết, pháp luật không có quy định về “kho báu” và “khai thác kho báu”, mà đây chỉ là cách nói thông thường của người dân.

Còn việc tổ chức thăm dò, khai quật, trục vớt tài sản bị chôn giấu, bị vùi lấp, chìm đắm và việc xác lập quyền sở hữu với tài sản này được quy định tại Nghị định 29/2018/NĐ-CP.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 21 của Nghị định 29/2018/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân phát hiện tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm có trách nhiệm bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng và thông báo kịp thời, đầy đủ các thông tin có liên quan với các cơ quan, người có thẩm quyền.

Nếu cần phải thăm dò, khai thác khai quật, trục vớt tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm, thì phải thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Nghị định 29/2018/NĐ-CP. Các nội dung sẽ gồm: sẽ gồm địa điểm, thời gian dự kiến bắt đầu và kết thúc, phương tiện và biện pháp thăm dò, biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình thăm dò, biện pháp phòng ngừa ô nhiễm môi trường, phòng chống cháy nổ, phương tiện và biện pháp khai quật, biện pháp bảo đảm an toàn; căn cứ tổ chức việc khai quật, trục vớt; kết quả thực hiện phương án thăm dò tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm (nếu có); thời gian dự kiến bắt đầu và kết thúc; phương tiện và biện pháp khai quật, trục vớt…

Nếu cá nhân, tổ chức muốn được cấp quyền thăm dò, khai quật, trục vớt tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 24 Nghị định 29/2018/NĐ-CP, gồm: Có chức năng thăm dò, khai quật, trục vớt tài sản theo quy định của pháp luật; Có kinh nghiệm trong hoạt động thăm dò, khai quật, trục vớt tài sản; Có đội ngũ nhân viên, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu của hoạt động thăm dò, khai quật, trục vớt tài sản phù hợp với quy mô của phương án thăm dò, khai quật, trục vớt đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp đúng là có “kho báu”, căn cứ vào giá trị tài sản thu được, người phát hiện, khai thác sẽ được chi thưởng theo quy định tại Điều 30 của Nghị định 29/2018/NĐ-CP. Mức chi thưởng lúc này sẽ dựa trên giá trị thu được trừ đi các chi phí có liên quan. Nếu ông H.P.T. là người trực tiếp khai quật thì phần chi thưởng cũng sẽ khác so với các trường hợp khác như vô tình phát hiện hoặc chỉ cung cấp thông tin.

Luật sư Hậu cũng nhắc lại thông tin một trường hợp khác trước đây là ông T.V.T (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) đã trình báo và xin phép khai thác kho vàng 4.000 tấn do một vị tướng người Nhật Bản chôn giấu ở Núi Tàu (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) trong chiến tranh thế giới lần thứ 2 và đã được tỉnh Bình Thuận nhiều lần cấp phép để khai thác “kho báu”. Tuy nhiên, sau nhiều năm tổ chức đào bới, tìm kiếm nhưng không mang lại kết quả như mong muốn.

“Vì vậy, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận cần hết sứ cân nhắc trong việc xem xét đề nghị của ông H.P.T, để tránh những lãng phí xã hội không cần thiết”, luật sư Hậu khuyến cáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn