MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mộ tàu đang khai thác cát trên sông Lam (Nghệ An). Ảnh: QUANG CƯỜNG

Nan giải bài toán chống cát tặc trên sông Lam

QUANG ĐẠI LDO | 24/10/2017 08:52

Nhận rõ nguy cơ và đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để xử lý, nhưng cơ quan chức năng Nghệ An vẫn đau đầu với bài toán dẹp tận gốc nạn cát tặc trên sông Lam.

Sông Lam có trữ lượng cát dồi dào, chất lượng tốt, sạch, nên ở nhiều địa phương có sông đi qua, cát tặc lộng hành. Ngoài các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ, người dân tự sắm sà lan, tàu, thuyền và máy hút cát, rồi lợi dụng đêm tối, hoặc thời điểm lực lượng chức năng không có mặt để tiến hành khai thác cát, bán lại cho các đầu nậu, hoặc trực tiếp bán cho khách. Cát tặc xuất hiện tại nhiều địa phương như xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên), Nam Cường (Nam Đàn), Ngọc Sơn (Thanh Chương), Đô Lương, Anh Sơn… Tại Thanh Chương có đến 25 xã xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép. Mỗi phà cát 80m3 có giá dao động 4,5-5 triệu đồng, chủ đầu nậu bán lại với giá khoảng 7-8 triệu đồng/phà.

Nạn hút cát trái phép không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng như sạt lở đất, mất an toàn các công trình trên bờ sông như cầu, cống, đê, kè. Bởi các vị trí được phép khai thác đã cấp cho doanh nghiệp, còn lại vùng gần bờ, cát nhiều và tốt nên người dân tìm cách khai thác lén lút. Theo một lãnh đạo Chi Cục Thủy lợi Nghệ An, cát tặc hoạt động uy hiếp an toàn của các công trình đê kè, nếu không xử lý dứt điểm sẽ tiềm ẩn nguy cơ rất lớn. “Họ lợi dụng thời điểm đêm tối, vị trí giáp ranh giữa các địa phương, lén lút hoạt động, cơ quan chức năng khó xử lý” - vị cán bộ này nói.

Đặc biệt, khu vực sông Lam giáp ranh giữa Nghệ An và Hà Tĩnh là nơi có nhiều cát tặc hoạt động. Khi thấy bóng dáng cơ quan chức năng, họ dong thuyền sang địa phận tỉnh khác, cảnh sát không thể xử lý được. Một khó khăn nữa là yêu cầu xử lý phải bắt được quả tang. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng cát tặc là do công tác quản lý chưa thực sự chặt chẽ, quyết liệt và do người dân ven sông chưa có việc làm ổn định. Đất đai sản xuất thiếu hoặc không có, tôm cá trên sông ngày càng cạn kiệt, nên một số bà con ngư dân chuyển sang gia nhập đội quân cát tặc. Việc khai thác cát trái phép không đòi hỏi đầu tư nhiều chi phí, dễ làm, có tiền ngay nên rất khó ngăn chặn.

6 tháng đầu năm 2017, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Nghệ An đã bắt 14 vụ khai thác cát trái phép chủ yếu trên sông Lam, xử phạt hành chính 25 triệu đồng, chuyển UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 11 trường hợp. Các địa phương cũng liên tục ra quân xử lý, chấn chỉnh tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi. Tuy nhiên, vẫn không dẹp được một cách triệt để. Một số địa phương than khó chống cát tặc, vì họ có thủ đoạn tinh vi, lén lút, trong khi cơ quan chức năng không thể thường trực 24/24 tại các bờ sông, lực lượng, phương tiện đều thiếu thốn. Nếu không có giải pháp căn cơ, thì tình trạng khai thác trái phép sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn