MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dịp hè, nhu cầu nghỉ dưỡng, du lịch của du khách tăng cao. Ảnh minh hoạ: Ngọc Trang

Nạn lừa đảo combo du lịch, vé máy bay hoành hành mùa cao điểm hè

Ngọc Trang LDO | 22/05/2023 06:26
Càng sát mùa cao điểm du lịch, càng xuất hiện nhiều cảnh báo, câu chuyện về nạn lừa đảo vé máy bay, phòng khách sạn hay combo du lịch trên mạng xã hội. 

Lừa đảo gia tăng mùa cao điểm du lịch

Thương Đào (Hà Nội) cùng nhóm bạn dự định du lịch nghỉ dưỡng tại Sóc Sơn, Hà Nội dịp cuối tuần giữa tháng 5. Sau khi đăng tin tìm villa, phòng nghỉ lên một hội nhóm về du lịch, cô được một tài khoản cá nhân tự nhận là nhân viên sales, tư vấn nhiệt tình về một villa ở gần hồ Đồng Đò. Nữ du khách Hà Nội được người này giới thiệu tài khoản Zalo của một đối tượng khác, tự nhận là quản gia của villa để chốt phòng và đặt cọc.

Ngày 10.5, sau khi hỏi kĩ về căn villa, Thương Đào quyết định đặt cọc trước 50% giá phòng nghỉ, tương ứng với 3 triệu đồng. Không những vậy, cô còn được đối tượng quản gia này tư vấn nhiệt tình về việc đi lại, ăn uống và các dịch vụ khác. Vì nhẹ dạ cả tin, Thương Đào tiếp tục chuyển khoản đặt các dịch vụ với giá 3.550.000 đồng.

“Đến chiều tối ngày 12.5, quản gia tiếp tục nhắn tin báo mình chuyển nốt 4 triệu đồng để khi đến căn villa chỉ việc vui chơi. Chúng mình thấy nghi ngờ nên đã lên fanpage chính của villa để hỏi và hay tin quản gia đó là một kẻ lừa đảo” - Thương Đào trả lời Lao Động.

Ngay khi phát hiện bị lừa, Thương Đào tìm cách liên hệ với nhân viên sales và đối tượng tự nhận là quản gia này nhưng đều bị cả hai chặn liên lạc. 

Thương Đào không phải là nạn nhân đầu tiên của chiêu trò lừa đảo đặt phòng, tour du lịch. Khi đăng tải câu chuyện của mình lên mạng xã hội, cô mới phát hiện rất nhiều người cũng bị lừa bởi thủ đoạn tương tự. Thương Đào tự nhận bản thân cũng một phần đáng trách vì chủ quan, dễ nghe theo lời đối tượng lừa đảo mà chuyển tiền đặt cọc với giá trị lớn.

Khuyến cáo cho du khách

Theo Bộ Công an, một số phương thức lừa đảo phổ biến các đối tượng thường dùng như đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng Internet và mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo; đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc (từ 30-50% giá trị) để đặt cọc tour du lịch, phòng khách sạn, từ đó chiếm đoạt số tiền đặt cọc. 

Các đối tượng lừa đảo cũng có thể đăng bài viết quảng cáo về dịch vụ làm visa, yêu cầu nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí, khai thông tin cá nhân để hoàn tiện hồ sơ nhưng cuối cùng lấy lí do nạn nhân khai thiếu thông tin để hủy visa, không hoàn tiền. Tinh vi hơn, các đối tượng còn làm giả website hoặc fanpage của các công ty, thương hiệu lớn để tăng độ uy tín khi mạo danh, lừa đảo.

Minh Thu, đại diện một đại lí du lịch tại Hà Nội cho biết, nạn lừa đảo vé máy bay, phòng nghỉ, tour tuyến du lịch xuất hiện ngày càng nhiều mỗi mùa du lịch, nhưng gần đây có xu hướng gia tăng, đặc biệt trước cao điểm hè và nghỉ lễ 30.4-1.5 vừa qua.

“Do nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách gia tăng, vé máy bay hoặc giá phòng mùa cao điểm có thể cao hơn bình thường. Lợi dụng điều này, các đối tượng lừa đảo thường quảng cáo mức giá combo du lịch, phòng khách sạn hay vé máy bay thấp hơn 30% hoặc thậm chí 50% so với thông thường” - Minh Thu nói. Cô cho biết thêm, rất nhiều đối tượng lừa đảo lập tài khoản ảo, hoạt động từ hội nhóm này sang hội nhóm khác nên ban quản trị các hội nhóm du lịch không thể xử lí hết.

Cô khẳng định du khách khó tìm vé máy bay giờ đẹp, phòng khách sạn hay villa sang trọng với giá rẻ hơn thông thường quá nhiều ở các điểm du lịch nổi tiếng như Đại Lải, Hạ Long, Cô Tô, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt... vào mùa cao điểm. “Cùng lắm các đại lí chỉ rao bán chênh nhau vài trăm nghìn đồng để cạnh tranh một chút, không bao giờ có chuyện một căn villa giá 20 triệu đồng một đêm lại có giá đẹp chỉ 9-10 triệu một đêm” - cô nhấn mạnh.

Để người dân tránh bị lừa đảo khi đặt dịch vụ du lịch, Bộ Công an khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kĩ thông tin khi lựa chọn các combo du lịch, tour du lịch, phòng khách sạn, vé máy bay của những công ty hoặc qua các ứng dụng du lịch uy tín. Ngoài ra, người dân có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề… của công ty lữ hành, du lịch để kiểm chứng độ tin cậy.

Người dân nên chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng kí) hoặc chọn các trang mạng xã hội hiển thị rõ thông tin của người bán khi tìm hiểu, đặt mua khách sạn, vé máy bay, các tour, tuyến du lịch. Một fanpage hoặc hội nhóm được thành lập lâu năm, lượng tương tác ổn định sẽ có độ uy tín cao hơn.

Người dân cần cảnh giác khi nhận lời mời chào mua gói du lịch với mức giá quá rẻ (hơn 30-50% so với giá chung của thị trường).   

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn