MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cá thể mèo rừng bị "ngâm cả con" trong rượu. Ảnh: Lam Anh

Ngâm rượu động vật, ngâm cả con chỉ để uống - có vi phạm pháp luật?

Thùy Linh LDO | 14/01/2023 12:06

Nhiều người cho rằng ngâm rượu động vật để uống chữa bệnh thì không phải là vi phạm, vì từ xưa người Việt đã có thói quen ngâm rượu để chữa bệnh, hay bồi bổ sức khỏe. Thế nhưng, đó chỉ là nhầm tưởng. 

Ngâm rượu động vật hoang dã có thể bị xử lý hình sự

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động xoay quanh vấn đề này, ông Trịnh Lê Nguyên - Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho biết: Theo quy định pháp luật hiện hành, bất kỳ hành vi mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt, giết mổ, tàng trữ, chế biến động vật hoang dã có nguồn gốc bất hợp pháp đều có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị phạt tù, tùy từng trường hợp và mức độ vi phạm. 

"Đối với hành vi ngâm rượu động vật hoang dã, nếu lâm sản ngâm trong rượu là động vật rừng không có nguồn gốc hợp pháp thì sẽ bị xem xét, xử lý hành chính theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 07/2022/NĐ-CP) hoặc bị xử lý hình sự theo Điều 234 hoặc Điều 244 Bộ luật Hình sự và Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao với mức phạt tối đa lên tới 15 năm tù"- ông Nguyên phân tích. 

Do đó, theo vị chuyên gia này, để tránh các rủi ro về pháp lý và sức khỏe, người dân không nên sử dụng bất kỳ bộ phận, sản phẩm nào có nguồn gốc động vật hoang dã mà thay vào đó có thể tìm hiểu các loại thảo dược có công dụng tương đương, vừa góp phần bảo tồn các loài động vật hoang dã vừa phát huy các giá trị y học cổ truyền của cha ông để lại.

Động vật hoang dã bị giết hại, ngâm rượu vì thói quen và niềm tin mù quáng của một số người dân. Ảnh: Lam Anh

Động vật rừng đang bị săn lùng làm quà biếu hoặc sử dụng dịp Tết Nguyên đán

Càng về cuối năm, càng những ngày cận Tết, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thú rừng càng lớn. Thói quen, sở thích ăn thịt thú rừng, ăn thịt động vật hoang dã của nhiều người Việt luôn là mối nguy hại lớn đối với công tác bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã tại Việt Nam. 

"Việc tiêu thụ động vật hoang dã dịp cuối năm thường diễn ra khá sôi động, nhất là các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc bất hợp pháp. Chúng thường bị săn lùng để làm quà biếu hoặc sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán"- ông Trịnh Lê Nguyên nói. 

Ông Nguyên khuyến cáo người dân cần tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, kiên quyết nói không với hoạt động mua, bán, tàng trữ, vận chuyển, giết, tiêu thụ, chế biến, sử dụng động vật hoang dã để đón Tết an toàn, lành mạnh, văn minh. 

Về phía các cơ quan chức năng, để đảm bảo sức khỏe người dân và bảo vệ đa dạng sinh học Việt Nam, đặc biệt là trong dịp cận Tết, các cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát, kiểm tra các khu chợ, tụ điểm, cửa hàng buôn bán động vật hoang dã tiềm ẩn các hành vi vi phạm pháp luật. 

Đồng thời cần xây dựng các quy định, quy trình nghiêm ngặt để quản lý hiệu quả hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã, nâng cao nhận thức cho người dân về những rủi ro của việc tiêu thụ động vật hoang dã đối với an ninh công cộng và sức khỏe cộng đồng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn