MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những tin nhắn về đời tư của lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá được các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá xác định nhiều khả năng là dàn dựng lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Ảnh: PV

Ngăn chặn bằng cách nào?

VÂN GIANG LDO | 22/03/2018 13:00
Chỉ trong 1 ngày (19.3), thông tin bồ nhí tin đồn của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hoá phát tán với tốc độ chóng mặt. Đây không phải lần đầu tiên, trên kênh dẫn mạng xã hội, thông tin về đời tư lãnh đạo được phát tán với tốc độ khủng khiếp như vậy.

Tuy phát tán nhanh, rộng nhưng độ tin cậy thì không phải thông tin nào cũng chính xác. Vậy làm sao để biết những thông tin nào là bịa đặt, xấu độc? Và ngăn chặn các thông tin xấu, độc bằng cách nào? 

Phát tán nhanh khủng khiếp

Từ chiều 19.3, mạng xã hội Facebook lan truyền chóng mặt thông tin ông Đỗ Trọng Hưng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa - có “bồ nhí”. Cụ thể, các thông tin này kèm theo hình ảnh và số điện thoại được cho là của ông Hưng cùng với nhiều tin nhắn qua lại với một cô gái mang hình thể “hot girl”.

Từ khoảng 22h cùng ngày, trên tài khoản Facebook có tên “Son Thai”, được cho là nguồn đã gỡ bỏ các thông tin hình ảnh sự việc nhưng rất nhiều diễn đàn, tài khoản Facebook khác đã lưu lại và chia sẻ trên mạng xã hội.

Dường như ngay tức khắc, trước thông tin phát vào chiều tối 19.3, sáng 20.3, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa khi được báo chí hỏi đã giao cho Công an tỉnh Thanh Hóa khẩn trương điều tra, làm rõ các thông tin nêu trên, xử lý nghiêm đối tượng tung tin đồn trước pháp luật. Trong khi chờ kết luận chính thức từ cơ quan điều tra, chiều 21.3 các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã họp và khẳng định những tin đồn trên mạng liên quan đến ông Đỗ Trọng Hưng là không đúng sự thật, nhưng đang gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của bản thân ông Đỗ Trọng Hưng và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.

Rõ ràng vấn đề tin xấu độc, giả mạo, nhắm vào đời tư của những người nổi tiếng, những lãnh đạo ở địa phương không phải là lần đầu.

Theo Bộ TTTT, trong năm 2017, nhiều đối tượng tung tin thất thiệt đã bị công an triệu tập làm rõ và chuyển cho các cơ quan liên quan tiến hành xử phạt hành chính. Như trường hợp Hoàng Thị Liễu tại Vĩnh Phúc tung tin bắt cóc trẻ em ngày 20.7.2017 và người tung tin bắt được cá sấu nặng 83kg tại Cà Mau đều bị phạt 10 triệu đồng, do đây đều là những thông tin bịa đặt. Nhiều trường hợp khác như tung tin thảm án tại Nam Định, máy bay rơi tại sân bay Nội Bài, vỡ đập hồ Núi Cốc,… đều bị đề nghị xử phạt hành chính.

Các địa phương vẫn phản ứng chậm chạp

Những thông tin đời tư lãnh đạo phát tán với tốc độ nhanh khủng khiếp trên mạng xã hội đã diễn ra trong vòng vài năm trở lại đây. Mỗi thông tin phát ra như tình hình sức khoẻ của lãnh đạo cấp cao, chuyện tình cảm đời tư của lãnh đạo thường được các tài khoản mạng xã hội chia sẻ nhanh chóng mặt.

Trái với dư luận nóng ran trên mạng xã hội thì phản ứng của các cơ quan có trách nhiệm thường tương đối chậm chạp, nhiều khi cố tình không biết. Việc ngăn chặn thông tin lan truyền trên mạng xã hội bịa đặt trở thành nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TTTT, khi Bộ TTTT định danh các loại thông tin này “thông tin xấu độc”. Ngăn chặn thông tin xấu độc trở thành vấn đề nóng nghị trường khi nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng TTTT Trương Minh Tuấn vào giữa tháng 11.2017.

Nhiều đại biểu chất vấn: Làm sao để ngăn chặn thông tin xấu, độc?. Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay bộ đã phân loại thông tin độc hại gồm: Thông tin kích động chiến tranh, gây thù hằn dân tộc, đòi lật đổ chế độ. Thứ hai, thông tin độc hại xúc phạm nhân phẩm, danh dự cá nhân khi khai thác quá nhiều đời tư. Thứ ba, thông tin gây phương hại cho sức khỏe tính mạng, danh dự, nhân phẩm và tinh thần của con người.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, bên cạnh những tiện ích rất lớn thì tác hại do mạng xã hội mang lại không phải là nhỏ. Đó là thông tin bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm, kích động bạo lực, khiêu dâm, chia rẽ dân tộc tôn giáo ngày càng phát triển nhiều hơn. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Bộ TTTT đã làm việc với các cơ quan liên quan để tăng cường năng lượng tốt, hạn chế tối đa năng lượng xấu trên mạng xã hội.

Trao đổi với Lao Động chiều 21.3, lãnh đạo Bộ TTTT khẳng định, về những thông tin chưa kiểm chứng lan truyền trên mạng xã hội thời gian qua, khi phát hiện Bộ TTTT đều yêu cầu các Sở TTTT kiểm chứng xác minh và có thông báo chính thức, với nhiều trường hợp phải đề nghị cơ quan công an các địa phương vào cuộc. Vị lãnh đạo này cho hay, trong các cuộc họp giao ban quản lý nhà nước, Bộ TTTT cũng yêu cầu các Sở TTTT nắm bắt diễn biến trên mạng xã hội các địa phương để vào cuộc xử lý kịp thời các vi phạm.

“Hầu hết các thông tin xấu độc khi được các Sở TTTT phát hiện thì các chủ tài khoản Facebook đều gỡ bỏ các nội dung này. Tuy nhiên, việc phản bác lại các thông tin xấu, độc thì nhiều lúc chúng ta vẫn chậm, chưa làm tốt” - vị này thừa nhận.

Theo thông tin của Lao Động, trong cuộc họp Thường vụ Tỉnh uỷ chiều 21.3, sự việc liên quan đến Phó Bí thư Thường trực tỉnh Thanh Hóa được phân tích, đánh giá công tâm khách quan, khoa học và thống nhất cho rằng đây là thông tin xuyên tạc, cố tình xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của một đồng chí lãnh đạo tỉnh.

Cá nhân ông Đỗ Trọng Hưng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ - cũng báo cáo sự việc và khẳng định cá nhân hoàn toàn trong sáng, không có liên quan gì đến những nội dung tin nhắn thất thiệt trên mạng xã hội. Ông Hưng sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng trích xuất tất cả các cuộc gọi, tin nhắn đi đến trong suốt những năm qua để làm rõ.

Ngay sau cuộc họp này, Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá sẽ có báo cáo lên cấp cao hơn và có văn bản gửi xuống các cơ sở, cụ thể là các đồng chí Tỉnh uỷ viên, Bí thư cấp huyện, Giám đốc, người đứng đầu các sở, ngành. X.H

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn