MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: Anh Tú

Ngân hàng SCB đề nghị Trương Mỹ Lan trả lại toàn bộ tài sản gây thiệt hại

Nhóm PV LDO | 28/03/2024 18:42

Chiều 28.3, phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư đối với các bị hại và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Trình bày trước tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng SCB cho biết, với tư cách bị hại, SCB không có ý kiến gì về tội danh của các bị cáo, SCB chỉ quan tâm tới vấn đề thu hồi tài sản, khắc phục tối đa hậu quả của vụ án.

Luật sư cho biết, hiện có 1.284 khoản vay chưa thanh toán liên quan đến bị cáo Trương Mỹ Lan. Trong số đó, Ngân hàng SCB đã ghi nhận 1.166 mã tài sản, nhưng chỉ 726 mã được Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân định giá được. Còn lại 440 mã không thể định giá do thiếu hồ sơ pháp lý. Vì vậy, luật sư đề nghị tòa án công nhận tất cả 1.166 mã tài sản là vật chứng và giao quyền quản lý, khai thác cho SCB. Luật sư khẳng định việc này sẽ không ảnh hưởng đến quá trình thi hành án và giúp thu hồi nợ hiệu quả.

Luật sư đề nghị HĐXX xác định bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo phải bồi thường cho SCB số tiền thiệt hại tính đến ngày 5.3 là hơn 760.000 tỉ đồng (hơn 482.000 nợ gốc, 277.830 tỉ đồng lãi) và lãi phát sinh cho đến khi nào SCB thực nhận được tiền.

Đối với số tiền 1.000 tỉ đồng mà bị cáo Nguyễn Cao Trí giao trả cho bị cáo Lan và 5,2 triệu USD mà bị cáo Lan cho nhân viên hối lộ bị cáo Đỗ Thị Nhàn, luật sư đề nghị không nên tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước. Bởi, theo luật sư đây là số tiền có nguồn gốc từ SCB nên cần thiết trả lại cho SCB.

Ngoài ra, với tài sản là vật chứng bị kê biên trong vụ án, có nguồn gốc từ việc các bị cáo phạm tội, rút từ SCB mà có và trong quá trình xét xử có nhiều bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả của vụ án, luật sư cũng đề nghị giao số tiền này cho SCB toàn quyền quản lý.

Cuối giờ chiều nay, HĐXX thông báo phiên tòa kết thúc phần bào chữa của các luật sư đối với các bị cáo, bị hại và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Phiên tòa tiếp tục phần tranh luận của đại diện Viện Kiểm sát vào sáng thứ Hai (ngày 1.4).

Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan bị cáo buộc dù không nắm chức vụ gì tại Ngân hàng SCB, nhưng với việc nắm giữ 91,5% cổ phần đã chi phối, lũng đoạn chỉ đạo toàn bộ hoạt động Ngân hàng SCB.

Từ năm 2012 - 2022, bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng hệ sinh thái của mình với hơn 1.000 công ty trong và ngoài nước, lấy Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm trung tâm. Sau đó, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo các đồng phạm trong vụ án lập khống hồ sơ vay, SCB giải ngân 2.257 khoản vay với hơn 1 triệu tỉ đồng - chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng.

Đến năm 2022, cơ quan chức năng xác định nhóm bị cáo còn 1.284 hồ sơ vay, tương đương dư nợ 677.286 tỉ đồng (nợ gốc 483.971 tỉ đồng, lãi/phí 193.315 tỉ đồng), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.

Sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo, cáo trạng xác định bị cáo Lan gây thiệt hại cho SCB khoảng 498.000 tỉ đồng.

Trong đó, từ ngày 1.1.2012 - 31.12.2017, bị cáo vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại hơn 64.000 tỉ đồng, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo các khoản vay. Từ ngày 1.1.2018 - 7.10.2022, bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô tài sản hơn 304.000 tỉ đồng nợ gốc, và hơn 129.000 tỉ đồng lãi phát sinh từ nợ gốc, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn