MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tang vật mà đối tượng này sử dụng để nhắn tin đe dọa các ĐBQH. Ảnh: P.V

Ngăn ngừa kẻ xấu lợi dụng tin nhắn đe dọa “khủng bố” cán bộ, lãnh đạo

Minh Bằng LDO | 20/10/2018 09:00
Tình trạng kẻ xấu lợi dụng công nghệ, viễn thông để đe dọa cán bộ lãnh đạo diễn ra khá thường xuyên và cần có biện pháp ngăn chặn. 

Gần đây, nhiều lãnh đạo Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của một số địa phương (Hà Nội, Quảng Trị, Bắc Ninh, Sóc Trăng, Hà Tĩnh…) nhận được tin nhắn với mục đích đe dọa nhằm chiếm đoạt tiền. Sau khi nhận được thông tin, cơ quan chức năng đã vào cuộc và nhanh chóng xác minh đối tượng.

Hôm 19.10, Bộ Công an thông tin đã bắt hai đối tượng dùng sim rác nhắn tin đe dọa các ĐBQH.

Cán bộ nghỉ hưu cũng bị nhắn tin đe dọa

Tại cuộc họp báo trước kỳ họp Quốc hội sắp diễn ra, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết đã có văn bản gửi Bộ Công an, đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ vụ nhiều lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố nhận được tin nhắn đe dọa.

Đến ngày 19.10, Bộ Công an thông tin: Ngay sau khi phát hiện thông tin đe dọa “lấy mạng” một số ĐBQH với giá 100 triệu đồng, lãnh đạo Bộ Công an đã giao Cục Cảnh sát Hình sự chủ trì, phối hợp với công an các đơn vị, địa phương tổ chức điều tra truy xét.

Đến nay, đã làm rõ và ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và khám xét khẩn cấp với đối tượng Ngô Xuân Tùng (SN 1988, hiện trú tại phố Nguyễn Thượng Hiền, phường 5, quận Phú Nhuận, TPHCM) và đối tượng Lê Văn Thành (SN 1988, hiện trú tại ấp Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TPHCM).

Bộ Công an thông tin: Các đối tượng trên là những đối tượng nghiện ma túy. Do cần tiền sử dụng ma túy, Ngô Xuân Tùng nảy sinh ý định nhắn tin đe dọa nhằm mục đích chiếm đoạt tiền. Tùng đã đặt mua trên mạng 01 quyển “Niên giám Quốc hội - Chính phủ khóa XIV, HĐND, UBND nhiệm kỳ 2016 - 2020”. Sau đó thuê Lê Văn Thành mở tài khoản tại Sacombank nhằm mục đích sử dụng tài khoản này để người bị hại chuyển tiền vào.

Liên tiếp trong các ngày 15 và 16.10.2018, Tùng đã sử dụng nhiều sim và máy điện thoại nhắn tin đến 100 người có tên trong quyển niên giám để đe dọa nhằm chiếm đoạt tiền.

Hiện Cục Cảnh sát hình sự đang khẩn trương đấu tranh khai thác, củng cố chứng cứ để sớm đưa xử lý các đối tượng trước pháp luật.

Đối tượng Ngô Xuân Tùng. Ảnh: P.V

Ngăn ngừa tội phạm “khủng bố tin nhắn”

Theo các cơ quan chức năng, nhiều cá nhân đã dùng sim rác để nhắn tin đe dọa, thậm chí tống tiền lãnh đạo.

Điển hình là vụ ông Đào Tấn Cường - Phó Giám đốc Cty CP nhiên liệu bay Petrolimex - do nghi ngờ ông Trần Phước Sơn - Phó Chánh Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng - là người tham mưu đề xuất ông Huỳnh Đức Thơ ký văn bản tiếp tục thanh tra lại lô đất L09 tại khu biệt thự Suối Đá, thuộc bán đảo Sơn Trà nhằm làm ảnh hưởng đến uy tín của mình và em trai mình nên đã nhắn tin: “Đồ mất dạy, nợ máu phải trả bằng máu”, “rồi mày phải trả giá thôi, mày lừa thầy phản bạn, mày phải hứng lấy quả báo, rồi mày cũng chết bờ chết bụi thôi. Mày còn vợ con nữa đó” tới số máy của ông Huỳnh Đức Thơ và của ông Trần Phước Sơn.

Qua điều tra, ngày 18.8.2017, Cục Cảnh sát Hình sự bắt khẩn cấp ông Đào Tấn Cường để điều tra. Ông Đào Tấn Cường bị Viện KSNDTC truy tố về tội “Đe dọa giết người” theo điểm a khoản 2, điều 103 của Bộ luật Hình sự.

Ngày 9.2.2018, TAND TP.Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Đào Tấn Cường 18 năm tù giam vì tội “Đe dọa giết người”.

Trước đó, cơ quan công an cũng đã bắt và TAND Bắc Ninh đã mở phiên xét xử Nguyễn Trọng Phương (37 tuổi, ở Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) về tội “Đe dọa giết người”. Phương là kẻ đã nhắn tin đe dọa Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh và Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh hồi đầu năm 2017 nhằm gây sức ép để cơ quan chức năng chấp thuận cho các Cty khai thác cát, sỏi trong đó có Cty của Phương nạo vét thanh thải và tận thu sản phẩm trên sông Đuống.

Các tin nhắn có nội dung: “Ông còn gây khó dễ cho dự án của tôi thì xác định là như vụ Yên Bái”, “Biết điều thì để yên cho người khác làm ăn”.

Đến ngày 31.3.2017, Phương bị bắt khẩn cấp. Hội đồng xét xử nhận định hành vi của Phương gây nguy hiểm cho xã hội và xâm phạm đến đời sống con người nên tuyên phạt bị cáo 36 tháng tù.

Việc những đối tượng dùng điện thoại (kể cả sim rác) khủng bố cán bộ, lãnh đạo đã bị bắt rất nhanh và xét xử nghiêm minh chính là lời cảnh tỉnh cho các đối tượng dùng phương tiện này gây hoang mang trong dư luận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn