MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng (ngoài cùng bên trái) tại phiên toà hoãn hôm 18.1. Ảnh: C.Hùng

Ngày mai (22.4) mở lại phiên toà xét xử cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Việt Dũng LDO | 21/04/2021 17:56
Sau hai lần hoãn, ngày mai (22.4), Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội mở lại phiên sơ thẩm xét xử cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và đồng phạm.

Trước đó, Tòa đã đưa ra xét xử vụ án này 2 lần vào các ngày 7.1 và 18.1.

Phiên tòa lần này dự kiến diễn ra trong 1 tuần (từ ngày 22-29.4), kể cả thứ bảy và chủ nhật.

Hội đồng xét xử gồm 5 người: 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân, do thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân làm chủ tọa. Hai kiểm sát viên cao cấp của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và kiểm sát viên của Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố tại phiên tòa này.

Sai phạm của cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng xảy ra trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" tại Bộ Công Thương và TP.Hồ Chí Minh.

Trong đó, bị cáo Vũ Huy Hoàng và Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) bị Viện KSND Tối cao truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

8 bị cáo còn lại bị Viện Kiểm sát truy tố về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai", trong đó có ông Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh).

Tại phiên xử ngày 7.1 đã vắng mặt 3 bị cáo, ngoài ra, một số luật sư bào chữa, đại diện giám định viên Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng nhiều người liên quan, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng vắng mặt.

Tại phiên tòa ngày 18.1, bị cáo Nguyễn Hữu Tín có đơn xin được xét xử vắng mặt do tình trạng sức khỏe yếu, không thể di chuyển xa, có xác nhận của cơ quan y tế…

Ngoài ra, còn vắng mặt giám định viên Bộ Tài nguyên và Môi trường; vắng mặt 13 người liên quan, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, trong đó có nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải và đại diện Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Theo cáo trạng, Sabeco được giao cho khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM).

Quá trình quản lý Sabeco, ông Vũ Huy Hoàng và Phan Chí Dũng đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới thực hiện các thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất này để thành lập Công ty liên doanh Sabeco Pearl cùng với các doanh nghiệp tư nhân đầu tư thực hiện Dự án "Xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê".

Sau khi góp vốn liên doanh xong, các bị cáo đã tích cực chỉ đạo Sabeco thoái vốn, chuyển quyền quản lý tài sản của Nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước hơn 2.700 tỉ đồng.

Trong vụ án này, do bị can Hồ Thị Kim Thoa đã bỏ trốn nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can, Quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can và Quyết định truy nã đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa. Khi nào bắt được, cơ quan công an xem xét, xử lý sau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn