MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động làm việc dưới 12 tháng thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc. Ảnh IE.

Nghỉ việc, có được trả lương ngày chưa nghỉ phép?

M. CHI (GHI) LDO | 16/07/2017 09:00
Bạn đọc N.T, email: maikangx@xxx, hỏi: Tôi làm việc cho Cty 100% vốn nước ngoài. Tôi nộp đơn xin nghỉ việc ngày 7.6.2017, sau 45 ngày làm việc, ngày cuối cùng làm việc của tôi là ngày 10.8.2017. Tôi có được tính ngày phép đến tháng 8 không? Tôi đã xin nghỉ phép từ ngày 1.8 đến ngày 8.8 tương ứng với 6 ngày phép, nhưng Cty không đồng ý cho tôi nghỉ và yêu cầu tôi vẫn đi làm. Nếu tôi đi làm vào những ngày phép đã đăng ký thì ngày công có được tính như là đi làm ngày chủ nhật hay ngày lễ không?

Văn phòng Luật sư Quốc Thái - Đoàn luật sư TP. Hà Nội trả lời:

Trước hết, với trường hợp ký HĐLĐ không xác định thời hạn, NLĐ chỉ cần báo trước cho NSDLĐ 45 ngày dương lịch (không phải 45 ngày làm việc) là có quyền nghỉ việc và không cần có lý do.

Căn cứ vào Bộ luật Lao động năm 2012, ngày nghỉ hằng năm được quy định như sau:

- Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

+ 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

+ 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

+ 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

- Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.

- Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

- Khoản 2 Điều 114 Bộ luật lao động quy định, người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc. Trường hợp không nghỉ thì được thanh toán bằng tiền.

- Điều 7 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP quy định, số ngày nghỉ hằng năm theo khoản, 2 điều 114 của Bộ luật Lao động được tính như sau: lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm; kết quả phép tính lấy tròn số hàng đơn vị, nếu phần thập phân lớn hơn hoặc bằng 0,5 thì làm tròn lên 1 đơn vị.

Như vậy, số ngày nghỉ phép của bạn được tính theo tỷ lệ số tháng làm việc thực tế trong năm. Để việc bàn giao công việc được thuận lợi, bạn nên thỏa thuận lại với doanh nghiệp về thời gian nghỉ phép. Trường hợp không nghỉ thì được thanh toán bằng tiền.

Do những ngày này không phải là ngày nghỉ lễ, Tết nên nếu đi làm thì bạn vẫn được tính công bình thường, trừ trường hợp bạn đi làm vào ngày nghỉ hàng tuần thì được tính bằng 200%.

Hãy liên hệ tổng đài tư vấn luật miễn phí 19008088 - đường dây nóng: 0961360559 để nhận được câu trả lời nhanh chóng kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi: tuvanphapluat@laodong.com.vn hoặc đến số 6 Phạm Văn Bạch, Yên Hòa, Cầu Giấy, HN và 39 Trương Định, P6, Q3, TP HCM vào thứ 3, thứ 6 hàng tuần để được tư vấn trực tiếp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn