MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghiêm cấm đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm

Việt Dũng LDO | 11/03/2020 11:29
Trách nhiệm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh.

Theo ông Nguyễn Minh Long (Công ty Luật TNHH Dragon (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm quy định rõ về việc công khai thông tin danh tính, hình ảnh của người bị mắc bệnh truyền nhiễm.

Nếu cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm thông tin cá nhân bị xử lý.

Quy định pháp luật về việc công khai thông tin cá nhân, hình ảnh người bị bệnh truyền nhiễm lên các phương tiện truyền thông

Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định rõ về nghĩa vụ, trách nhiệm của người bệnh như khai báo trung thực, tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh… Nếu ai vi phạm sẽ chịu các biện pháp chế tài theo quy định của pháp luật.

Tuy vậy, người bệnh cũng có quyền pháp lý được bảo vệ và tôn trọng, cụ thể là quyền nhân thân. Khoản 3 điều 33 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định như sau:

“Điều 33. Trách nhiệm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh": Giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh.

Như vậy, theo quy định pháp luật, một trong các trách nhiệm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh. Khoản 5 điều 8 của Luật này cũng quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là “phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm”.

Ngoài ra, Điều 8 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định rõ: Quyền được tôn trọng bí mật riêng tư.

1. Được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án.

2. Thông tin quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.”

Đồng thời Điều 9 Luật này cũng quy định người bệnh được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh; không bị kỳ thị, phân biệt đối xử,…

Đối với bệnh nhân COVID-19, bản thân họ cần được tôn trọng về quyền riêng tư của người bệnh, tránh những hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị, xâm phạm quyền nhân thân của họ. Việc người bị nhiễm virus bị công kích, phân biệt đối xử, kỳ thị có ảnh hưởng nhất định tới tâm lý của những người nghi nhiễm, khiến họ gặp nhiều khó khăn trong khám và điều trị bệnh. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 (khoản 1 Điều 21) và Bộ luật Dân sự 2015 (Điều 32).

Hình thức xử lý đối với người vi phạm

Các hình thức xử lý đối với cá nhân/tổ chức có hành vi xâm phạm đến thông tin cá nhân thì tùy từng trường hợp cụ thể, hành vi có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Xử phạt hành chính: Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định rõ: “Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.

- Xử lý hình sự: Theo quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì nếu hành vi công khai thông tin cá nhân của người khác với mục đích làm nhục, sẽ bị xử lý như sau: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”

Tại điểm b Khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định: Người nào thực hiện hành vi “Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Đồng thời theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, người có hình ảnh bị xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người xâm phạm hình ảnh cá nhân của mình phải thu hồi, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn