MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngư dân Trần Văn Liên cười tươi vì được bồi thường 2,8 tỷ đồng để sửa chữa tàu. Ảnh: Lam Phương

Ngư dân thắng kiện 2,8 tỷ đồng vụ tàu vỏ thép vừa xuống nước đã hỏng máy

Lam Phương LDO | 30/08/2017 19:28
Sau hơn 1 năm khởi kiện vụ tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 xuống nước lần đầu đã hỏng máy, một chủ tàu mừng rỡ khi được tòa tuyên thắng kiện, được bồi thường 2,8 tỷ đồng.

Đó là ông Trần Văn Liên trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. 

Sau 2 lần hoãn tòa, chiều 30.8, TAND TP Tam Kỳ chính thức xét xử vụ ngư dân kiện công ty đóng tàu vì tàu vỏ thép hơn 17 tỷ đồng vừa xuống nước đã hỏng hóc, phải nằm bờ suốt 2 năm qua. Đây là ngư dân đầu tiên kiện công ty đóng tàu vì tàu vỏ thép kém chất lượng.

Theo hồ sơ vụ án, ông ngư dân Trần Văn Liên – chủ tàu cá vỏ thép số hiệu QNa 94679TS (công suất gần 1.000 CV) đâm đơn khởi kiện Công ty cổ phần đóng tàu Bảo Duy (Âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng) và Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) vì chiếc tàu vỏ thép của ông do hai công ty này đóng (Cty Bảo Duy đóng thân tàu, Cty Liên Á lắp máy) bị hỏng máy ngay trong lần đầu chạy thử. Trong khi đó, hai công ty trên đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, chậm khắc phục, dẫn đến nhiều tổn thất về kinh tế cho gia đình ông.

Đặc biệt, số tiền hàng trăm triệu đồng đóng tàu ông phải vay ngân hàng, lãi mẹ đẻ lãi con. Tiền lương cho thuyền viên phải trả vì hợp đồng đã ký khiến gia đình ông khốn đốn.

HĐXX tuyên án, buộc công ty Bảo Duy chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ngư dân. Ảnh: Lam Phương

Qua nhiều giờ đồng hồ tranh luận, hai công ty đều khẳng định không làm hư hại máy móc nên không chịu trách nhiệm bồi thường.

Phía Cty Liên Á nói rằng, đại diện công ty không có mặt trong lúc chạy thử nghiệm tàu. Việc chạy thử nghiệm tàu vào ngày 29.3.2016 là do Công ty Bảo Duy tự ý thuê lái tàu cùng với ngư dân cho chạy thử, không thông báo cho Công ty Liên Á nên phía công ty không chịu trách nhiệm về hư hỏng máy. Đồng thời, đại diện Công ty Liên Á cho rằng phía Công ty Bảo Duy trực tiếp có mặt lúc chạy thử nghiệm nên trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Bảo Duy.

Mặt khác, luật sư của Công ty Bảo Duy cho rằng Công ty Bảo Duy chỉ phụ trách phần đóng tàu nên không có trách nhiệm về máy móc. Bên cạnh đó, Công ty Bảo Duy nghi ngờ về nguồn gốc phần máy chính của con tàu do phía Công ty Liên Á cung cấp.

Sau phần nghị án, HĐXX TAND TP Tam Kỳ tuyên buộc Công ty Bảo Duy chịu trách nhiệm về phần hư hỏng máy móc do trong quá trình vận hành không đúng quy trình. Phía Công ty Bảo Duy phải bồi thường thiệt hại về máy móc cho ngư dân Liên là 2,8 tỷ đồng, đồng thời hoàn trả số tiền 44 triệu đồng mà ông Liên nộp án phí trước đó.

Kết thúc phiên tòa, ông Liên vui mừng vì đã có tiền để sửa chữa con tàu, có thể ra khơi bám biển để có tiền chi trả số nợ cho ngân hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn