MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cửa biển tại tỉnh Cà Mau vắng lặng sau những chuyến tranh chấp ngư trường dẫn đến ném bom xăng, nổ súng. Ảnh: Nhật Hồ

Ngư phủ kể lại những cuộc đụng độ giang hồ bảo kê, phân lô bán nền trên biển

NHẬT HỒ LDO | 11/01/2024 13:31

Độc chiếm ngư trường thành của riêng, ai muốn vào khai thác phải chung chi nếu không sẽ bị đe dọa, bắn, đốt tàu, đến tận nhà cấm ra khơi… Đó là tình cảnh mà nhiều ngư dân ở Cà Mau gặp phải khi giáp mặt với giang hồ biển thời gian qua.

Kinh hoàng những chuyến ra khơi

Anh Trương Hoài Phong, ngụ xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau - chủ tàu cá CM-91296-TS bị ném bom xăng cháy rụi trên biển hôm 2.1 - kể lại những lần giáp mặt với nhóm giang hồ biển thời gian qua.

Anh Trương Hoài Phong, ngụ xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, chủ tàu cá CM-91296-TS kể lại sự việc tàu bị ném bom xăng. Ảnh: Nhật Hồ

Vào ngày 14.11.2023, tàu cá của anh Phong đang đánh bắt trên vùng biển cách cửa biển Kinh Hội (xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) khoảng 12 hải lý về hướng Tây Nam. “Tôi vừa thả được khoảng 30.000 con ốc thì có khoảng chục chiếc tàu vây quanh yêu cầu chúng tôi rút ốc, đưa ngư trường cho họ làm. Tôi có nói chỗ này tôi đánh bắt khoảng 20 năm nay, trả thì biết đánh ở đâu. Nhưng họ cứ theo sát hăm doạ, ngăn cản đến khi tàu bỏ neo mới chịu rời đi”, anh Phong kể.

Theo lời anh Phong, đến ngày 5.12, nhóm đối tượng quay lại dùng tàu cá đâm va chạm gây hư hỏng tàu của anh. Tiếp đó, các ngày 8.12.2023, ngày 26.12.2023, tàu cá của anh liên tục bị nhóm người này tấn công.

Ngày 2.1.2024, có 4 đối tượng đi trên vỏ composite (phương tiện di chuyển trên sông) dùng chất cháy (nghi là bom xăng tự chế) ném vào cabin và các vị trí khác trên tàu cá của anh Phong, gây cháy rụi và chìm xuống biển.

Một phương tiện đánh bắt thủy sản tại vùng biển Cà Mau bị ném bom xăng gây cháy trước khi chìm xuống biển. Ảnh: Công an cung cấp

Anh Phong kể lại: “Lúc đó, tôi đang ngủ trên võng thì nghe tiếng vỏ máy chạy đến. Tôi phóng xuống võng, mở cửa cabin thấy họ ném bom xăng quá trời. Tôi lấy mền để che nhưng cháy luôn nên bỏ chạy ra sau đánh thức bạn tàu chạy sang tàu cá CM-06377-TS. Chưa đầy một phút, lửa cháy lan cả con tàu. Chính tôi chặt dây rồi đứng ngậm ngùi nhìn tàu chìm dần xuống biển”.

Anh Phong cho biết thêm, tình trạng các băng nhóm hoạt động theo kiểu "giang hồ" biển, tổ chức bao chiếm biển để cho thuê, “phân lô, bán nền” diễn ra nhiều nơi trên khu vực biển Tây Nam.

“Gần đây, bọn chúng muốn chiếm luôn ngư trường mà chúng tôi đánh bắt để liền một dải khai thác. Bọn chúng muốn độc chiếm hết…”, anh Phong bức xúc nói.

Muốn yên ổn khai thác phải nộp tiền xâu

Theo các ngư dân, tình trạng các băng nhóm hoạt động theo kiểu giang hồ, tổ chức bao chiếm, “phân lô, bán nền” trên biển Tây Nam tồn tại nhiều năm qua. Trước đây, chúng thả lưới xí phần những khu vực có trữ lượng hải sản lớn (chủ yếu là cá, mực). Bây giờ, bọn chúng ngang nhiên thông báo, chỗ nào cũng là của bọn chúng. Tàu của ngư dân nào muốn đến khu vực đó khai thác phải đưa tiền “xâu”, từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tàu/ngày.

Chuẩn bị cho chuyến ra khơi đầy khó khăn của gia đình anh Phong. Ảnh: Nhật Hồ

Nhiều ngư dân cho rằng, đều biết kiểu làm ăn này của các băng nhóm, nhưng ngại ý kiến, không dám phản ánh đến cơ quan chức năng, vì sợ bị trả thù. Một số chủ tàu cá khi thấy con nước lên, cá nhiều, hay thời điểm có mực nhiều đành chấp nhận “đóng hụi chết” vài triệu đồng để được khai thác, còn bình thường thì né tránh, không muốn dính líu tới các băng nhóm.

Ông Phạm Văn Đồng (chủ tàu cá KG-94839-TS, quê Kiên Giang) cho biết, sau khi bị các băng nhóm tấn công vào ngày 8.11.2023, các ngư dân trên tàu của ông không dám ra khơi đánh bắt cá. Ông Đồng trần tình: “Tôi làm đơn trình báo vụ việc đến Công an tỉnh Cà Mau, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau. Sau đó, cán bộ công an và viện kiểm sát có đến xác minh, kiểm tra, lấy một số viên đạn do các đối tượng bắn ghim trên tàu. Tuy nhiên, đến nay đã hơn một tháng, nhưng vẫn chưa thấy cơ quan điều tra khởi tố vụ án, có phản hồi cho người trình báo”.

Gần một tháng trôi qua, nhưng đến nay, anh Nguyễn Trọng Phú, sinh năm 1986, ngụ phường Bình San, TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, thuyền trưởng tàu cá KG-62299-TS và các bạn tàu vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại vụ việc bị một băng nhóm tấn công khi đang khai thác hải sản trên biển.

Sử dụng ốc để đánh bắt thủy sản tại Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Theo anh Phú, khoảng 1 giờ 45 ngày 8.11.2023, tàu cá của anh cùng với 2 tàu cá khác là KG-94839-TS và KG-92790-TS khai thác hải sản trên biển tại tọa độ 8o56’50’’ độ vĩ Bắc - 104o12’50’’ độ kinh Đông thuộc vùng biển tỉnh Cà Mau. Lúc này, bất ngờ có 2 tàu vỏ composite và 1 ghe cào ốc lao tới, trên tàu có nhiều đối tượng cầm súng.

Anh Phú kể: "Bọn chúng yêu cầu chúng tôi xếp lưới, không được đánh cá ở khu vực này. Tôi nói mấy anh nói chuyện vô lý, tôi đánh cá ở vùng biển hợp pháp, mấy anh ở đâu đến đây ngăn cản. Tôi vừa dứt lời thì một trong số họ ném bom xăng lên tàu của tôi".

Chưa dừng lại, khi nghe anh Lê Thành Việt (một ngư dân trên tàu của anh Phú) gọi bộ đàm thông báo cho tàu cá khác đến hỗ trợ, nhóm đối tượng đi trên tàu composite lấy súng bắn (loại súng tự chế bắn đạn chì) khiến anh Việt bị thương nặng ở chân phải.

Thấy tàu cá của anh Phú bị cháy, tàu cá KG-94839-TS do anh Bùi Văn Nguyên (sinh năm 1972, ngụ phường Tô Châu, TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng đang khai thác gần đó đến hỗ trợ dập lửa. Thấy vậy, nhóm đối tượng đi trên tàu composite lấy súng bắn về phía tàu KG-94839-TS làm ngư dân Nguyễn Văn Mẫn (sinh năm 1989, ngụ tỉnh Hậu Giang) đi trên tàu này bị thương ở chân trái.

Rạng sáng ngày 8.11, nhóm đối tượng trên cũng điều khiển tàu đến tấn công tàu cá KG-92790-TS bằng súng. Sự việc làm 1 ngư dân trên tàu cá là anh Đoàn Văn Đầy (sinh năm 2003, ngụ xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) bị thương ở mặt.

Như Lao Động thông tin, trước tình trạng mất an ninh tại ngư trường, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau liên tiếp ra nhiều văn bản chỉ đạo khẩn trương điều tra, xử lý theo pháp luật. Công an tỉnh Cà Mau cũng đã thành lập ban chuyên án, bước đầu đã bắt 1 đối tượng, mời làm việc nhiều đối tượng khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn