MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau nhiều năm bị oan sai, cụ ông Khổng Văn Đệ (đầu tiên, bên phải) vừa qua đã được chấp bồi thường gần 1,2 tỉ đồng. Ảnh: P.Dự.

Người bị oan sai cần giấy tờ gì để yêu cầu bồi thường?

Việt Dũng LDO | 27/09/2020 13:01

Theo quy định pháp luật, trong thời gian nhất định, cơ quan giải quyết bồi thường cho người bị oan sai phải thực hiện các thủ tục nhanh gọn.

Luật sư Nguyễn Minh Long (Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 41 đến Điều 47, Mục I, Chương V, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 về thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường.

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu bồi thường

Nội dung gồm có: Văn bản yêu cầu bồi thường; Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp người bị thiệt hại không được gửi hoặc không thể có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường; Giấy tờ chứng minh nhân thân của người bị thiệt hại; Tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường (nếu có).

Trường hợp người yêu cầu là người thừa kế, cần bổ sung thêm Chứng minh nhân thân của người này; Văn bản ủy quyền hợp pháp; di chúc (nếu có) hoặc văn bản hợp pháp về quyền thừa kế.

Người yêu cầu bồi thường (sau đây gọi là người yêu cầu) nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan giải quyết bồi thường hoặc Sở Tư pháp trong trường hợp chưa xác định cơ quan giải quyết bồi thường.

Bước 2: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ

Nhận hồ sơ trực tiếp: Cơ quan giải quyết bồi thường tiếp nhận hồ sơ và ghi vào sổ; cấp giấy xác nhận đã nhận hồ sơ cho người yêu cầu;

Nhận hồ sơ qua bưu điện: trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan giải quyết bồi thường phải thông báo bằng văn bản về việc nhận hồ sơ cho người yêu cầu.

Bước 3: Thụ lý hồ sơ và cử người giải quyết bồi thường

Thụ lý hồ sơ: Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan giải quyết bồi thường phải thụ lý hồ sơ và vào sổ thụ lý, trừ trường hợp theo khoản 2, điều 43 Luật này.

Cử người giải quyết bồi thường: Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý hồ sơ, cơ quan giải quyết bồi thường phải cử người giải quyết bồi thường;

Người giải quyết bồi thường là người có kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ, không được là người có quyền và lợi ích liên quan, người thân thích của người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc của người bị thiệt hại.

Bước 4: Xác minh thiệt hại

Người giải quyết bồi thường có trách nhiệm thực hiện việc xác minh được yêu cầu trong hồ sơ.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thụ lý hồ sơ, người giải quyết bồi thường phải hoàn thành việc xác minh thiệt hại. Đối với trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp, thời hạn xác minh thiệt hại là 30 ngày kể từ ngày thụ lý hồ sơ.

Bước 5: Thương lượng việc bồi thường

Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành báo cáo xác minh thiệt hại, cơ quan giải quyết bồi thường phải tiến hành thương lượng việc bồi thường. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tiến hành thương lượng, việc thương lượng phải được hoàn thành. Đối với trường hợp nhiều tình tiết tiết phức tạp hơn, thời hạn thương lượng tối đa là 15 ngày.

Nội dung thương lượng gồm: Các loại thiệt hại được bồi thường; Số tiền bồi thường; Khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác (nếu có); Phương thức chi trả tiền bồi thường; Nội dung khác có liên quan.

Bước 6: Quyết định giải quyết bồi thường

Ngay sau khi có biên bản kết quả thương lượng thành, Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định giải quyết bồi thường và trao cho người yêu cầu bồi thường tại buổi thương lượng. Quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày trao cho người yêu cầu bồi thường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn