MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông V.V. Đ (74 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) thay con trai quá cố đi đòi quyền lợi. Ảnh: Huỳnh Điểu

Người cha già thay con trai quá cố đi đòi quyền lợi trong vụ án Alibaba

Anh Tú LDO | 13/12/2022 23:31

TPHCM - Trước khi chết,  anh V.V.D. (bị hại trong vụ án Alibaba) căn dặn người cha già "Tiền mồ hôi nước mắt của con nằm trong tay Alibaba, con nhắm mắt, ba cố gắng theo đuổi… để có tiền lo cho cháu nội”.

Ngày 13.12, TAND TPHCM xét hỏi các bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba  do Nguyễn Thái Luyện (sinh năm 1985, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Alibaba - gọi tắt là Công ty Alibaba) cùng 22 đồng phạm gây ra.

Tòa xét hỏi các bị hại ở 10 dự án gồm: Alibaba Center Town, Alibaba Tóc Tiên Residence 3, Alibaba Tân Thành Center City, Alibaba Tân Thành Center City 6, Alibaba Tân Thành Homy City, Alibaba Tân Thành Center City 7, Ali Aqua Nhơn Trạch, Alibaba Phước Bình Central Park 3, Alibaba Tóc Tiên Residence, Alibaba Phước Bình Golf. 

Cha già thay con trai đến đòi quyền lợi

Là một trong những người cuối cùng được tòa gọi lên xét hỏi, ông V.V. Đ (74 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) cho biết, con trai ông là anh V.V.D. (nạn nhân trong vụ án) đã mất cách đây 42 ngày, trước đó có đầu tư hơn 1,3 tỉ đồng vào các dự án của Công ty Alibaba.

Ông V.V. Đ (74 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM). Ảnh: Huỳnh Điểu

Theo ông Đ., từ tháng 3 đến tháng 6.2019, con trai ông đã kí 8 hợp đồng quyền chọn với tổng số tiền 1,3 tỉ đồng với công ty Alibaba với cam kết lợi nhuận là 30% sau 12 tháng. Đây là tiền anh đã tiết kiệm trong hơn 20 năm làm công nhân lái máy xúc. 

Tuy nhiên, chưa kịp hưởng đồng lãi nào, vào tháng 9.2019, vụ Alibaba bị khởi tố. 5 tháng kể từ khi Nguyễn Thái Luyện bị bắt, anh D phát hiện bị suy thận với những biến chứng nguy hiểm,  bệnh ngày càng trở nặng và qua đời sau đó.  "Để chữa bệnh cho anh D., gia đình dốc hết tiền bạc, đi vay mượn, số tiền lên tới gần 1 tỉ đồng nhưng cũng không giữ được mạng sống cho con" ông V.V. Đ chia sẻ.

Chia sẻ với phóng viên, ông Đ. cho biết cũng chỉ vì ham lợi nhuận của việc mua đi bán lại, và bị nhiều người rủ rê mà bây giờ hậu quả quá nặng nề. “Bây giờ cháu nó mất rồi, gia đình kiệt quệ vì vay mượn tiền chữa bệnh cho con. Nhiều lúc tôi đã nghĩ đến chuyện bán căn nhà của vợ chồng con để trả nợ. Nhưng nghĩ đến những lời trăng trối con dặn phải giữ căn nhà cho cháu nội nên tôi cũng chẳng đành." ông Đ trải lòng.

Các bị hại trong vụ án. Ảnh: Anh Tú

Đứng trước bục khai báo để đòi quyền lợi theo di nguyện của con trai, nhưng ông Đ. không yêu cầu các bị cáo bồi thường đúng, đủ số tiền đã ký hợp đồng, tiền lãi mua đất hay hoặc nhận lại phần đất đã đầu tư như hầu hết các bị hại khác. 

“Việc Alibaba làm sai với khách hàng thì đã có pháp luật xử lý, tuy nhiên, về phần thiệt hại của người dân thì tôi mong HĐXX thu hồi tài sản hiện còn của Công ty Alibaba được bao nhiêu thì hãy đem trả cho khách hàng bấy nhiêu. Chứ chúng tôi cũng không mong trả đúng, trả đủ” Ông Đ trình bày.

Còng lưng gánh lãi suất ngân hàng vì nghe lời "mật ngọt"

Có mặt tại tòa từ sáng đến chiều muộn 13.12, nhiều bị hại cho biết đã bỏ ra từ hàng trăm đến hàng tỉ đồng mua dự án của Công ty Alibaba. Giờ đây ai nấy lòng đều trĩu nặng khi số tiền tích cóp cả đời đầu tư vào các dự án bất động sản của Công ty CP Địa ốc Alibaba nay đứng trước nguy cơ mất trắng.

Các bị hại khai báo thủ tục với thư kí. Ảnh: Anh Tú

Bà T.TH. (ngụ Đồng Nai) - một trong số bị hại của vụ án cho biết, cũng vì tin lời mật ngọt, hai vợ chồng đã thế chấp căn nhà và vay thêm tiền ngân hàng để mua 11 lô đất của công ty Alibaba với số tiền hơn 3 tỉ đồng. Tuy nhiên, kể từ khi vụ án bị khởi tố khiến gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn khi mỗi tháng phải chịu 30 triệu đồng khoản lãi ngân hàng. Bà H. mong tòa án xét xử nhanh chóng để sớm có thể nhận lại tiền, trả ngân hàng.

“Hiện gia đình tôi rất là khó khăn, giờ chỉ trông chờ vào tòa cho lấy lại được đồng nào hay đồng ấy”, bà H trình bày trước tòa.

Sau khi kết thúc phần trình bày của các bị hại có mặt tại phiên tòa, HĐXX thông báo phiên tòa sẽ tiếp tục phần xét hỏi vào sáng 15.12.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM xác định, bị cáo Nguyễn Thái Luyện là người chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ quá trình hoạt động của Công ty CP Địa ốc Alibaba và 22 pháp nhân trực thuộc đứng tên chủ đầu tư của 58 “dự án ma”.

Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Luyện đã đưa ra thủ đoạn bán hàng cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.

Hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết, mà được công ty chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.

Toàn bộ dự án dân cư được tự vẽ trái phép mà Công ty Alibaba chuyển nhượng cho khách hàng không phải là đất thổ cư như nội dung thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng.

Do đó, đây không được xem là hợp đồng dân sự hợp pháp để có thể thực hiện theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.

Cơ quan điều tra xác định Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đã lừa 4.500 người với số tiền chiếm đoạt gần 2.400 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn