MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người chồng dùng dao chém vợ rách mặt, gần lìa ngón tay có thể bị xử lý về tội Giết người. Ảnh: PVB.

Người chồng chém vợ kinh hoàng có thể bị xử lý về tội giết người

LN - Phạm Đông LDO | 11/05/2018 15:00

Theo luật sư Đặng Văn Cường, trong vụ việc chồng dùng dao chém vợ trọng thương thì dù chị T. có thể không chết nhưng hành vi của đối tượng Đông đã đủ căn cứ để có thể xử lý đối tượng này về tội Giết người.

Nhận định về vụ việc chồng dùng dao chém vợ rách mặt, gần lìa ngón tay xảy ra ngày 9.5 ở phường Bạch Hạc (TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), ngày 11.5, trao đổi với PV Báo Lao Động, thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, theo thông tin báo chí đăng tải thì hành vi của đối tượng Trần Văn Đông (SN 1982), người dùng dao lao vào chém chị Lê Thị T. (vợ anh Đông) là hành vi côn đồ, mất nhân tính.

Theo luật sư Cường, cũng may mà người thân truy hô nên Đông đã bỏ đi và mọi người đưa được chị T. đi cấp cứu. Nếu không thì chắc chắn chị T. sẽ bỏ mạng vì những vết thương đều vào vùng trọng yếu, mất máu nhiều... Bởi vậy, chỉ cần nghe kể lại hành động của Đông đã khiến nhiều người phải rùng mình, kinh hãi. Hành vi của Đông không chỉ bị xã hội lên án mà đối tượng này còn phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường phân tích vụ việc.

“Dưới góc độ pháp lý, hành vi của đối tượng Đông là hành vi giết người: Pháp luật quy định bắt buộc Đông phải biết rằng trong trạng thái tinh thần kích động, hung hãn như vậy thì hành vi dùng dao chém nhiều nhát vào phần đầu, mặt... của người phụ nữ đang ở trong tư thế không có khả năng tự vệ thì hoàn toàn có khả năng tước đoạt tính mạng của nạn nhân.

Đối tượng Đông biết điều đó là trái pháp luật nhưng cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra. Chị T. không chết là do được cấp cứu kịp thời. Bởi vậy, trong vụ việc này dù chị T. có thể không chết thì hành vi của đối tượng Đông đã đủ căn cứ để có thể xử lý đối tượng này về tội Giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017” – luật sư Cường phân tích.

Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành thì hành vi của Đông sẽ bị xác định là "có tính chất côn đồ". Vì vậy, đối tượng Đông sẽ bị xử lý theo quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự với hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Khi lượng hình, tòa án sẽ căn cứ vào tính chất mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Chị T. nhập viện trong tình trạng nguy kịch, trên người có 5 vết dao chém.

Cũng theo luật sư Cường, trong vụ án này, có thể Đông không phải nhận mức án cao nhất là tử hình và chị T. qua cơn nguy kịch nhưng phía trước là cuộc sống quá khó khăn, ngoài sức tưởng tượng của chị T. Người thiệt thòi nhất trong câu chuyện này là chị T. và các con chị T. Chúng sẽ phải sống trong cảnh thiếu cha và người mẹ tàn tật. Hình ảnh của vụ việc cũng là nỗi ám ảnh của nhiều người.

"Vụ án này lại một lần nữa cho thấy hậu qua của cơn nóng giận, thiếu kiềm chế gây nguy hại đến mức nào. Nếu nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, tôn trọng người khác và khả năng kìm chế cảm xúc bản thân của mỗi người thì mới có thể giảm đi những vụ án đau lòng như vậy" - luật sư Cường nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn