MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Huỳnh Văn Nén. Ảnh: A.C

Người gây oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén phải bồi thường hơn 10 tỉ đồng: Không khả thi!

Nhóm P.V LDO | 06/05/2017 19:00
Liên quan đến việc xử lý người gây oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén, người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan về tội giết người, mới đây, Bộ Tài chính vừa có văn bản chấp nhận đề nghị của TAND Tối cao về việc cấp kinh phí hơn 10 tỉ đồng bồi thường oan sai cho ông Nén.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đề nghị TAND Tối cao “xác định trách nhiệm hoàn trả số tiền” đối với người thi hành công vụ gây oan sai. Dư luận đặt câu hỏi: Tính khả thi của việc bồi hoàn này như thế nào?

Phải bồi thường là đúng, thậm chí phải truy cứu hình sự

Theo luật sư Đặng Thị Tâm - Văn phòng luật sư Quốc Thái, Đoàn luật sư TP. Hà Nội: Người bị oan sai khi thấy mình có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 6 và điều 13, 26, 28, 38, 39 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì làm hồ sơ theo quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước gửi cơ quan có thẩm quyền để được xem xét giải quyết. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường khi gây oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự là cơ quan được quy định tại các điều 30, 31 và 32 của Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân, Toà án Nhân dân).

Cũng theo luật sư Tâm: Trong sự việc oan sai của ông Nén trách nhiệm bồi thường là của Tòa án Nhân dân. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 56, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 58, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và khoản 1, Điều 13, Nghị định số 16/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì sau khi thực hiện xong việc chi trả tiền bồi thường, thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra quyết định thành lập hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả để xác định trách nhiệm hoàn trả, mức hoàn trả đối với người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại. Mức hoàn trả của người thi hành công vụ gây oan sai xác định theo quy định tại Điều 8, Thông tư liên tịch số 04/ 2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ.

Có thể bồi hoàn dần dần

Ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng việc cán bộ công chức gây oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén nói riêng hay cho các đối tượng khác nói chung mà dẫn đến Nhà nước phải bồi thường thì ở bất cứ quốc gia nào cũng có quy định cá nhân gây hậu quả phải có trách nhiệm bồi hoàn. Mức bồi hoàn tùy từng trường hợp cụ thể và có thể được chia theo từng tháng chứ không bắt buộc bồi hoàn cả một lúc. Nhưng trên tinh thần, người làm sai là phải bồi hoàn.

Ông Pha cũng cho biết thêm, trong kỳ họp tới, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), trong đó, sẽ quy định rất rõ về trách nhiệm của Nhà nước và các cá nhân gây thiệt hại. Đây cũng là giải pháp để nâng cao trách nhiệm của cán bộ, giúp cán bộ làm việc nghiêm túc, đúng pháp luật hơn.

Trao đổi với Lao Động, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho biết: Bộ Tài chính đã kiến nghị thì Tòa tối cao phải xem xét, nghiên cứu theo các quy định của pháp luật chứ chưa thể xem xét ngay được việc này. Việc bồi thường còn phải xét nhiều yếu tố. Trong khi đó, một lãnh đạo Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết: Bộ Tư pháp không hướng dẫn trách nhiệm hoàn trả đối với công chức gây oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén. Theo lãnh đạo này, việc cán bộ không đủ tiền là việc khác, còn việc hoàn trả là việc khác. Trường hợp nếu không đủ tiền mà bắt người khác bồi hoàn là không được. Trước tiên cần phải xác định trách nhiệm của người gây ra oan sai. “Phía Bộ Tư pháp chỉ có phối hợp, hướng dẫn còn tất cả thẩm quyền thuộc Tòa tối cao”, vị này nói thêm.

Được biết, theo Điều 8, Thông tư liên tịch số 04, trường hợp số tiền bồi thường thực tế đã chi trả là dưới 100 triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là 3 tháng lương và tối đa không quá 12 tháng lương của người đó; trường hợp số tiền bồi thường thực tế đã chi trả là từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là 12 tháng lương và tối đa không quá 24 tháng lương của người đó; trường hợp số tiền bồi thường thực tế đã chi trả trên 500 triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là 24 tháng lương và tối đa không quá 36 tháng lương của người đó - tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.

Đã chuyển hơn 10 tỉ đồng bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén

Liên quan đến việc bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén do bị kết án oan, ngày 4.5 ông Biện Văn Hoan - Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết: Trưa 4.5, nhân viên của Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã đến Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận làm thủ tục chuyển số tiền hơn 10 tỉ đồng vào tài khoản của người thân ông Huỳnh Văn Nén. Được biết, số tiền hơn 10 tỉ đồng mà ông Huỳnh Văn Nén được bồi thường bao gồm: Gần 5,3 tỉ đồng bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần, 2,3 tỉ đồng thiệt hại do tổn hại về sức khỏe, gần 1,2 tỉ đồng bồi thường thu nhập thực tế bị mất và 1,2 tỉ đồng cho các thiệt hại khác. T.S

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn