MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau khi gây tai nạn, Mười gọi cho đàn em để người này ra nhận tội thay. Ảnh: Thanh Hải.

Người nhận tội thay cho "đàn anh" gây tai nạn ở Bình Dương có bị xử lý?

Việt Dũng LDO | 30/10/2020 16:26

Việc nhận tội thay cho đối tượng cộm cán gây tai nạn chết người ở Bình Dương, nam thanh niên sẽ bị xử lý như thế nào?

Như tin đã đưa, Nguyễn Trọng Mười (42 tuổi, quê Nghệ An), đối tượng cộm cán, từng có tiền án điều khiển ôtô trên đường Nguyễn Tri Phương (Bình Dương) đã đâm vào 2 xe máy chạy cùng chiều phía trước.

Vụ tai nạn khiến anh T.Đ.T (18 tuổi, quê Quảng Trị) và T.N.A (27 tuổi, quê Nghệ An) tử vong tại chỗ. Sau khi gây tai nạn, Mười rời khỏi hiện trường và gọi điện cho đàn em ra trình diện nhận tội thay.

Tuy nhiên, cảnh sát xác định Mười mới là người gây tai nạn. Vì vậy, ngày 29.10, Mười bị Công an thành phố Dĩ An (tỉnh Bình Dương) khởi tố bị can về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Minh Long (Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay: Bộ luật hình sự hiện hành quy định đối với hành vi nhận tội thay người khác là vi phạm pháp luật .

Theo đó, người vi phạm có thể phạm một trong ba tội gồm: Tội che giấu tội phạm (Điều 389) hoặc tội không tố giác tội phạm (Điều 390) hay Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối (Điều 382, Bộ luật Hình sự hiện hành). Tùy từng vụ việc cụ thể để kết luận người nhận tội thay bị xử lý theo điều khoản nào.

Đối với trường hợp người nhận tội thay cho Mười, luật sư Long cho rằng, Mười bị khởi tố về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Vì vậy, căn cứ theo Điều 389 Bộ luật hình sự “Tội che giấu tội phạm” hay Điều 390 tội "Không tố giác tội phạm", thì hành vi che giấu tội phạm cho Mười của đàn em sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Long còn cho rằng, cũng không có quy định pháp luật nào xử phạt hành chính người nhận tội thay trong trường hợp này, trong khi hậu quả của hành vi nhận tội thay có thể xảy ra đánh lạc hướng điều tra dẫn đến bỏ lọt tội phạm. "Đây có thể là một lỗ hổng của pháp luật, cần được xem xét điều chỉnh cho phù hợp", ông Long nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn