MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ phá rừng tại Tiểu khu 1003 xã biên giới Ia Mơr. Ảnh: Thanh Tuấn

Nguyên nhân khiến phá rừng khu vực biên giới Ia Mơr ở Gia Lai diễn biến phức tạp

THANH TUẤN LDO | 22/02/2024 15:57

Diện tích rừng rộng lớn, địa hình phức tạp, các đối tượng khai thác gỗ manh động, liều lĩnh dễ dàng xâm nhập và tẩu tán hiện vật khỏi hiện trường. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng mỏng, thiếu công cụ hỗ trợ, khiến rừng khu vực biên giới Ia Mơr thường bị xâm hại.

Ngày 22.2, tin từ UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai cho biết, tình hình khai thác gỗ trái phép tại xã biên giới Ia Mơr vẫn diễn biến phức tạp, dù chính quyền địa phương đã tổ chức truy quét, ngăn chặn liên tục.

Huyện thành lập 3 tổ liên ngành hoạt động thường xuyên gồm: Công an, biên phòng, kiểm lâm, dân quân tự vệ, Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Mơr. Tổ tuần tra, kiểm soát tại các điểm nóng dễ xảy ra phá rừng, tuy nhiên, đặc thù của rừng Ia Mơr với hàng nghìn ha trải dài trên diện tích lớn, đường sá nhiều nên công tác kiểm soát, ngăn chặn và phát hiện gặp khó khăn.

Tại xã Ia Mơr, chủ yếu cư dân bản địa với đồng bào dân tộc thiểu số có thói quen, tập quán vào rừng săn bắn, lấy củi, khai hoang mở rộng diện tích đất sản xuất. Nhiều đối tượng khai nhận, dùng cưa xăng đốn hạ cây, khai thác gỗ làm củi, làm nhà cửa, tổ chức cưới hỏi, ma chay…

Theo ông Từ Ngọc Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, diện tích rừng lớn trong khi lực lượng bảo vệ rừng lại mỏng, Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Mơr đang tuyển dụng thêm nhân viên. Mặt khác, diện tích rừng tự nhiên do UBND xã quản lý khá lớn, cần thiết phải chuyển giao về cho Ban quản lý rừng để có đủ chức năng, nguồn lực, nhân lực quản lý, bảo vệ rừng.

Hàng năm, UBND huyện Chư Prông hỗ trợ thêm xăng dầu, động viên, khen thưởng các tổ bảo vệ rừng của xã Ia Mơr và nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Mơr để tăng cường tuần tra, kiểm soát, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết Nguyên đán.

Các đối tượng cưa hạ cây gỗ bỏ lại tại rừng Ia Mơr. Ảnh: Thanh Tuấn

Tháng 1.2024, Gia Lai gửi đề nghị ra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị không chuyển đổi gần 4.800ha đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp để thực hiện dự án vùng tưới hồ thủy lợi Ia Mơr. Như vậy, 4.800ha đất có rừng tự nhiên sẽ được bảo vệ, giữ gìn.

Cấp ủy, chính quyền huyện Chư Prông thời gian tới sẽ tuyên truyền, vận động người dân về chủ trương này, tránh để bị các đối tượng lợi dụng để xâm hại, phá rừng, lấm chiếm đất rừng. Đồng thời đề nghị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện khẩn trương điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật.

Như Báo Lao Động đưa tin, lợi dụng dịp Tết Nguyên đán 2024, đêm ngày 30, một nhóm khoảng 30 người tiến hành khai thác gỗ trái phép tại Tiểu khu 1003, lâm phần thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Mơr. Khi bị phát hiện, các đối tượng vi phạm có hành vi chống đối, đe dọa lực lượng chức năng và đưa phương tiện ra khỏi hiện trường. Tổng số gỗ thiệt hại qua kiểm đếm ước tính hơn 25m3, chủ yếu cây dầu.

Cuối năm 2023, cơ quan chức năng huyện Chư Prông phát hiện nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng liên tiếp. Cây rừng bị đốn hạ với thủ đoạn khoan gốc, đổ hóa chất, trét đất sét …

Chư Prông là huyện biên giới có diện tích rừng tương đối lớn, với tổng diện tích tự nhiên là gần 170 ngàn ha, trong đó diện tích đất có rừng là hơn 72,5 ngàn ha. Từ ngày 10.12.2022 đến 8.12.2023, lực lượng chức năng huyện Chư Prông đã phát hiện và bắt giữ, lập biên bản 22 vụ vi phạm pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp. Năm 2023, Hạt Kiểm lâm huyện đã xử lý 15 vụ vi phạm (năm 2022 chuyển sang xử lý 10 vụ). Trong đó có 19 vụ đang trong quá trình điều tra, xác minh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn