MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong hơn 30 năm làm tư vấn viên trợ giúp pháp lý, bà Loan đã mang pháp luật đến từng thôn, bản. Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Nhà hòa giải" cần mẫn mang kiến thức pháp luật đến với thôn làng

Quang Việt - Thanh Vân LDO | 22/01/2023 07:39
Trong nhiều năm làm trợ giúp viên pháp lý, bà Cầm Kim Loan đã đứng ra hoà giải và mang kiến thức pháp luật đến với bà con ở các xã nghèo của Sơn La.

Ở mảnh đất Tây Bắc xa xôi, cách đây nhiều thập kỷ có những chàng trai, cô gái không ngần ngại trèo đèo, lội suối “cõng” con chữ, pháp luật tới các bản, xã đặc biệt khó khăn.

Trong số đó có bà Cầm Kim Loan - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Sơn La . Bà được ví như “sợi chỉ đỏ” nối tình cha con, vợ chồng, làng xóm, giúp người lầm lỡ có cơ hội làm lại cuộc đời…

Tại đây, khi được phân công trực tiếp dân tại cơ quan, bà Loan luôn cố gắng dùng những kiến thức, kinh nghiệm đã được tôi luyện để tạo thuận lợi cho người được trợ giúp pháp lý.

Ngoài ra, bà Loan còn cùng chuyên viên, cộng tác viên, cán bộ Phòng Tư pháp các huyện tổ chức thực hiện hàng trăm cuộc trợ giúp pháp lý lưu động tại 120 xã thuộc huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn và 204 bản đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La.

Sinh trong gia đình có tới 8 anh chị em, song bà Cầm Kim Loan may mắn có bố nguyên là cán bộ TAND tỉnh Sơn La nên được học hành tới nơi, tới chốn.

Bố của bà Loan luôn mong các con sau này trở thành người có ích, giúp đỡ người dân ở địa phương hiểu biết về pháp luật.

Trong khi các anh chị em làm giáo viên, công an, toà án, bà Loan chọn công việc trợ giúp pháp lý với mong muốn mang pháp luật đến từng người dân, để họ sống và làm việc theo pháp luật.

Bây giờ sau nhiều năm, bà Loan vẫn nhớ cơ duyên để bản thân theo nghề, bám nghề tư vấn trợ giúp pháp lý.

Theo đó, năm 1990, tốt nghiệp trường Trung cấp pháp lý của tỉnh Sơn La, bà Loan đã trở về địa phương làm việc tại bộ phận Tư pháp UBND huyện Yên Châu (Sơn La).

Tại đây, bà Loan không ngại khó, ngại khổ, mang hoài bão, nhiệt huyết của tuổi trẻ vào công việc để giúp người.

Thời điểm đó, cô gái người dân tộc Thái ấy không ngại việc băng rừng, vượt núi, trèo đèo, lội suối, đến từng bản, xã đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền pháp luật, giúp đỡ người dân.

Mỗi đợt đi công tác, có lần đến cả tuần mới về nhà vì đường sá xa xôi, đi lại khó khăn. Nữ tư vấn viên cùng đồng nghiệp phải đi bộ nhiều tiếng đồng hồ, qua nhiều con suối, đồi núi để tuyên truyền pháp luật, hòa giải những mâu thuẫn gia đình, vợ chồng, làng xóm cho người dân.

Nhiều lần phải ngủ lại nhà dân vì chưa xong chuyến công tác, buổi tối cô gái trẻ còn bị trai bản đến “chọc sàn”, ngỏ ý tìm hiểu. 

Sau sự kiện trên, Loan đã cùng đồng nghiệp tổ chức tuyên truyền về các quy định của pháp luật liên quan tới tảo hôn, hôn nhân gia đình trong nhiều năm để người dân hiểu, không phải cứ mang phong tục ra để “bắt vợ” là có được hạnh phúc.

Bởi “bắt vợ” khi cô gái bị “bắt” chưa đủ tuổi kết hôn, không yêu người “bắt”, không đồng ý, thì hạnh phúc không đến, trái lại còn bị xử lý vì vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, bà Loan cho hay, còn tuyên truyền đến bà con những thông tin pháp luật về đất đai, phòng chống ma tuý. Nhờ đó, sự hiểu biết về pháp luật của người dân được nâng cao.

Sự gắn bó, ân cần của nữ trợ giúp pháp lý đã chiếm được tình cảm yêu thương từ người dân bản chất phác, thật thà. Trong mắt họ, “cán bộ Loan” là người phụ nữ Thái gần gũi với dân, nhiệt huyết.

Ngay cả khi đã có gia đình, con nhỏ, chồng làm bộ đội thường vắng nhà, song bà sẵn sàng vì dân làng đêm hôm mà “nay gửi con nhà hàng xóm này, mai gửi con nhà hàng xóm khác” để hòa giải, tư vấn, giải đáp vướng mắc cho họ.

Nhắc lại thời gian còn làm chuyên viên của Phòng Tư pháp huyện Yên Châu, bà Loan nhớ như in câu chuyện về ông lão có tranh chấp cái ao cá với con trai.

Vụ việc đã đưa ra UBND xã, gửi vượt cấp lên UBND huyện nhưng chưa giải quyết được. Do đó, ông muốn từ con.

Bà đã mời hai bố con lên uỷ ban xã để hoà giải, song họ lúc đó gần như "cạn tình". Tuy nhiên sau khi được hoà giải, cả hai đã bắt tay làm hoà, mọi mâu thuẫn đã được giải quyết. 

Đến giờ, hơn 30 năm làm công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, giúp đỡ, trợ giúp pháp lý, hoà giải cũng như làm công tác tuyên truyền pháp luật đến bà con dân làng, bà Loan chưa một lần than thở mệt mỏi, hoặc muốn chuyển việc.

Bà luôn quan niệm, ngoài kia còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh cần giúp đỡ. Do đó, bà Loan hi vọng các thế hệ kế cận sẽ nối tiếp truyền thống của thế hệ đi trước, làm được nhiều việc có ích cho người, cho đời.

Với bà Loan, niềm vui, niềm hạnh phúc chính là những con người nhận được trợ giúp pháp lý quay về nẻo thiện, làm người có ích cho xã hội.

Trong hơn 30 năm công tác, bà Loan đã nhận được nhiều Bằng khen của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Sơn La. Đặc biệt, năm 2019, bà nằm trong top 20 trợ giúp viên pháp lý thực hiện được nhiều vụ việc nhất cả nước. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn