MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ án vòi tiền nhà thầu xây dựng ở Vĩnh Phúc, hiện hồ sơ chuyển sang Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị truy tố với 4 bị can. Ảnh: PV

Nhà thầu bị Đoàn thanh tra Bộ xây dựng "vòi" có đòi lại được quyền lợi?

Việt Dũng LDO | 30/06/2020 14:40
Trong số 54 nhà thầu ở Vĩnh Phúc nộp tiền cho Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng do bị can Nguyễn Thị Kim Anh làm trưởng đoàn, để xin bỏ qua sai phạm, nhiều đại diện đề nghị được trả lại tiền.

Trong bản kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc, cáo buộc, bị can Nguyễn Thị Kim Anh cùng 3 đồng phạm đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, thu lợi bất chính từ hoạt động thanh tra sai quy định ở huyện Vĩnh Tường là hơn 2 tỉ đồng của 54 nhà thầu.

Trong đó, số tiền các bị can chiếm đoạt là hơn 1,3 tỉ đồng; số tiền thu lợi bất chính là gần 750 triệu đồng.

Bên cạnh đó, bản kết luận điều tra cũng thể hiện có hàng chục doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị đề nghị được trả lại số tiền đã nộp cho đoàn thanh tra Bộ Xây dựng để được bỏ qua lỗi vi phạm.

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội), các bị can trong vụ án bị khởi tố về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Như vậy việc các cá nhân, tổ chức đưa tiền cho đoàn thanh tra ở Vĩnh Phúc không phải là tự nguyện mà là bị “vòi vĩnh”, buộc phải đưa tiền nếu muốn đoàn thanh tra bỏ qua các lỗi vi phạm về trật tự xây dựng…

Số tiền đó được xác định là tài sản mà các bị can có được do phạm tội mà có. Những cá nhân, tổ chức đưa tiền có thể được xác định vai trò tham gia tố tụng là bị hại, hay Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Điều 47 Bộ luật hình sự 2015 quy định: Tịch thu sung vào ngân sách nhà nước đối với vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi trác mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội.

Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.

Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.

Điều 48 Bộ luật này cũng quy định: Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.

Để có căn cứ xử lý, giải quyết đề nghị của những cá nhân, tổ chức này thì quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ xác minh, làm rõ nguồn gốc số tiền mà họ đã đưa cho Đoàn thanh tra Vĩnh Phúc.

Xác định số tiền đó các bị can đã sử dụng chưa, sử dụng như thế nào, hiện ở đâu, để truy tìm, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, tịch thu, xử lý tài sản do phạm tội mà có để phục vụ yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, tránh các đối tượng có hành vi tẩu tán tài sản.

Số tiền mà các bị can đã chiếm đoạt của những cá nhân, tổ chức trong vụ án trên có thể được trả lại cho những cá nhân, tổ chức đó.

Tuy nhiên nếu các cá nhân, tổ chức đó có sai phạm thực tế trong quá trình kinh doanh, sản xuất thì cơ quan chức năng cũng sẽ xác minh, làm rõ để xử lý vi phạm đó theo quy định pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn