MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ba bị can trong vụ chiếm quyền Facebook lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng ở Diễn Châu, Nghệ An. Ảnh: Công an

Nhận diện tội phạm chiếm quyền tài khoản mạng xã hội để lừa đảo

Quang Việt LDO | 13/01/2023 14:15

Hiện nay, phương thức chiếm quyền các tài khoản xã hội để vay mượn tiền bạc... chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng vẫn diễn biến phức tạp nên cơ quan chức năng ngoài chỉ ra các chiêu thức nhận diện còn cảnh báo tới người dân.

Tội phạm công nghệ cao vẫn diễn biến phức tạp

Gần cuối tháng 9.2022, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Ngãi thông tin triệt phá thành công chuyên án bắt giữ 3 đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội Zalo, Facebook chiếm đoạt gần 15 tỉ đồng.

Nhóm này kết bạn với nhiều người, gửi đường link trang web có hành vi lừa đảo, với hình thức bình chọn ảnh đẹp, giọng hát Việt nhí… Từ đó, các đối tượng này lấy thông tin đăng nhập, mật khẩu, số điện thoại đăng ký tài khoản Zalo, Facebook rồi chiếm quyền kiểm soát các tài khoản mạng xã hội này, mạo danh chủ tài khoản để nhắn tin lừa mượn tiền.

Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi, xảy ra tại nhiều địa phương, trên nhiều lĩnh vực và đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng.

Tội phạm này sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội (gửi các đường link giả mạo thông tin dịch bệnh COVID-19, quảng cáo tuyển dụng, làm việc tại nhà, các trò chơi giải trí trên mạng…).

Sau đó, chúng nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại; hoặc chiếm đoạt quyền sử dụng SIM điện thoại bằng cách gọi điện tư vấn chuyển đổi hoặc nâng cấp SIM điện thoại sang mạng 4G miễn phí, từ đó chiếm đoạt mật khẩu tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mạng xã hội để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Theo Cục Cảnh sát hình sự, việc tội phạm lừa đảo vẫn tồn tại và có xu hướng gia tăng là do công tác tuyên truyền chưa được sâu, rộng dẫn đến việc người dân chưa hiểu biết, cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin về quy hoạch, chế độ, chính sách xã hội, đầu tư sản xuất...

Một số bộ phận người dân nhận thức pháp luật còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa thiếu hiểu biết về chủ trương, chính sách và nhẹ dạ cả tin, hám lợi… để tội phạm có cơ hội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khuyến cáo với thủ đoạn chiếm quyền tài khoản để lừa đảo

Trước tình trạng tội phạm lừa đảo công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp, cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần thận trọng trong giao dịch chuyển tiền, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người không hề hay biết, không chia sẻ thông tin căn cước công dân lên mạng xã hội, tuyệt đối không nhấp vào các đường link mà các đối tượng gửi về qua mạng xã hội, tin nhắn điện thoại…

Trung tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cảnh sát hình sự (C02), Bộ Công an - cho biết, để đối tượng lừa đảo được chính là người sử dụng Facebook mất cảnh giác. Theo Cục trưởng C02, người dân trước khi nhận được các yêu cầu, giúp đỡ, một là cần phải nghiên cứu kỹ các thông tin xem có gì bất thường hay không. Thứ hai, đặc biệt cần xem xét những người chưa bao giờ vay mượn tiền, nhờ vả mình mà giờ lại hỏi, điều này là bất thường, cần phải kiểm tra lại. Thứ ba, khi chuyển tiền, có những thông tin vậy thì cũng cần phải kiểm tra lại trước khi chuyển tiền. 

Theo Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an), thống kê hằng năm, toàn quốc xảy ra khoảng 2.000 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Công an đã khởi tố gần 500 vụ án và hơn 1.000 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, bằng con số của cả năm 2020, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn