MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhận hối lộ tình dục sẽ bị xử hình sự

Nhận hối lộ tình dục bị xử hình sự: Chứng minh người phạm tội thế nào?

Cường Ngô LDO | 14/12/2018 07:00

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng, để chứng minh được hành vi phạm tội hối lộ tình dục chỉ cần chứng minh được có sự thỏa thuận giữa người đưa và người nhận hối lộ tình dục.

Nhận hối lộ tình dục sẽ bị xử hình sự

Ngày 12.12, Sở Tư pháp TPHCM tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn nhiệm vụ, nội dung công tác tuyên truyền, phổ biến Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và các văn bản liên quan.

Báo cáo viên của hội nghị là thẩm phán Huỳnh Anh Kiệt - Phó Chánh tòa Hình sự, Tòa án Nhân dân TPHCM.

Thẩm phán Huỳnh Anh Kiệt kể về một vụ án do chính ông từng thụ lý giải quyết. Theo đó, một anh cán bộ nhà đất nhận hối lộ tình dục của rất nhiều cô gái. Sau đó, các cô gái đồng loạt tố việc phải thỏa mãn tình dục cho anh này để anh này giải quyết các hồ sơ liên quan đến nhà đất. Các cô khai rất rõ các khách sạn nơi quan hệ tình dục, số lần, cách khống chế thỏa mãn tình dục…

Thế nhưng, thời điểm đó, tòa không thể xử được vì luật quy định tội nhận hối lộ là hành vi nhận vật chất như nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

Hiện nay, Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định của hối lộ không chỉ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất mà còn bổ sung thêm lợi ích phi vật chất khác, như hối lộ tình dục. Tức là nếu anh cán bộ ở vụ án trên thụ hưởng cả về tình dục, sẽ bị xử lý cả hành vi này về tội nhận hối lộ.

Câu chuyện của thẩm phán Kiệt hiện đang gây xôn xao dư luận. Nhiều người thắc mắc, căn cứ vào đâu, tang vật là gì để xác định tội danh và xử lý tội phạm này.

Làm sao chứng minh được hành vi hối lộ tình dục

Liên quan vấn đề này, trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Trần Văn Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự-Hành chính (Bộ Tư pháp) - cho biết, hối lộ tình dục là vấn đề chúng ta mới tiếp cận với các Công ước Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng.

Theo đó, điểm mới của Tội đưa và nhận hối lộ trong Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực đầu năm 2018), không chỉ là giá trị vật chất, mà cả những giá trị phi vật chất. Và, hành vi hối lộ tình dục là biểu hiện cụ thể của hành vi hối lộ phi vật chất.

"Để chứng minh được hành vi phạm tội hối lộ tình dục chỉ cần chứng minh được có sự thỏa thuận giữa người đưa và người nhận hối lộ tình dục. Ví dụ, người đưa - thay vì đưa 100 triệu đồng (giá trị vật chất), đổi bằng một hoặc một vài lần quan hệ tình dục (giá trị phi vật chất)", ông Dũng nói.

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp, quan điểm phải quan hệ tình dục với nhau trong nhà nghỉ, khách sạn mới là hối lộ tình dục là không đúng. Chỉ cần có sự thống nhất, thỏa thuận về mặt ý chí, có ghi âm, ghi hình, có người làm chứng (trên thực tế có việc môi giới hối lộ), các bên thừa nhận... đã chứng minh được hành vi phạm tội này.

Khi được hỏi, tính chất, hành vi, mức độ của hành vi hối lộ tình dục có nghiêm trọng như hành vi hối lộ vật chất không?, ông Trần Văn Dũng nói, tính chất, hành vi của tội này được quy định rõ trong Công ước Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng.

Trong thực tế, điều quan trọng là phải xác định được mức độ nguy hiểm của hành vi này, đánh giá trên quyết tâm tố giác hành vi vi phạm của người cho với người nhận (người nhận ở đây chủ yếu là người có chức vụ quyền hạn), nên không thể nói việc đưa tiền, giá trị vật chất nguy hiểm, nghiêm trọng hơn hành vi hối lộ tình dục. Vì sao, vì có người thừa tiền thì họ thích tình, và ngược lại.

Ông Dũng chia sẻ, trên thực tế, điều khoản này mới được quy định trong Bộ luật Hình sự, đang trong quá trình triển khai và chưa có bản án nào về Tội hối lộ tình dục.

"Mặc dù pháp luật hình sự quy định như thế, mang tính răn đe, chúng tôi cũng không mong muốn xử lý người phạm tội, không ai vướng phải", Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn