MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tại Đồng Nai, một nhóm đòi nợ thuê đã “khủng bố” con nợ bằng tờ rơi xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Ảnh: Ngô Nguyên

Nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục để phân biệt với xã hội đen: Không cần thiết

Cường Ngô LDO | 27/08/2018 07:30

Chuyên gia tài chính cho rằng, việc nhân viên đòi nợ thuê mặc đồng phục thể hiện sự trang trọng, nghiêm chỉnh, chuyên nghiệp của nhân viên thu hồi nợ, tuy nhiên, việc đó không làm tăng hiệu quả đòi nợ của công ty thu, đòi nợ.

Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định 104/2007 về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhằm hạn chế tối đa những bất cập của hoạt động kinh doanh này thời gian qua.

Trong dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi nội dung về điều kiện kinh doanh, bổ sung quy định về trang phục đối với nhân viên đòi nợ.

Theo đó, người lao động của doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi thực hiện các hoạt động đòi nợ phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi làm việc trực tiếp với chủ nợ hoặc khách nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác liên quan.

Do vậy, Bộ Công an sẽ là đầu mối chỉ đạo công an các cấp kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện các quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Một số công ty tài chính hiện nay thuê công ty đòi nợ thu hồi các khoản nợ.

Liên quan việc nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục để phân biệt với xã hội đen, chia sẻ với Lao Động, TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội) cho rằng, việc quy định mặc đồng phục đối với dịch vụ đòi nợ là hợp lý.

"Đến bảo vệ còn có đồng phục riêng, huống chi là nhân viên đòi nợ thuê - một ngành nghề kinh doanh rất nhạy cảm. Việc có đồng phục giúp phân biệt đâu là dịch vụ hợp pháp, đâu là đòi nợ kiểu "xã hội đen", ăn theo", chuyên gia kinh tế nói.

Đặt câu hỏi: "Trường hợp nhân viên công ty đòi nợ không mặc đồng phục thì đơn vị nào xử lý", ông Phong cho biết, khi đã có Nghị định sẽ quy định các hành vi bị cấm, đồng thời có các chế tài cho hành vi đó như phạt tiền, thu hồi thẻ của nhân viên đòi nợ thuê.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập cho rằng, về chủ trương, ông đồng tình với Bộ Tài chính là các tổ chức, cá nhân có thể thuê công ty đòi, thu hồi nợ, điều này phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ông Hiếu dẫn chứng, ở Mỹ, có nhiều ngân hàng thuê công ty đòi, thu hồi nợ đối với khách nợ. Những công ty này làm việc rất chuyên nghiệp. Họ hiểu tâm lý khách nợ, biết thu hồi nợ nhanh chóng, hợp pháp.

Còn việc nhân viên đòi nợ phải mặc đồng phục, ông Hiếu cho rằng không cần thiết. "Mặc đồng phục thể hiện sự trang trọng, nghiêm chỉnh, chuyên nghiệp của nhân viên thu hồi nợ, giúp phân biệt với thành phần thu, đòi nợ kiểu "xã hội đen". Tuy nhiên, việc đó không làm tăng hiệu quả đòi nợ của công ty thu, đòi nợ", ông Hiếu nói.

Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, nhân viên thu, đòi nợ nên mặc đồ nghiêm chỉnh như comple, caravat, nhưng để quy định chặt chẽ "phải mặc đồng phục" thì không cần. Thay vào đó, Bộ Tài chính yêu cầu các công ty thu, đòi nợ đăng ký kinh doanh, có vốn điều lệ, trụ sở, nội quy, hội đồng quản trị (nếu là công ty cổ phần).

Còn Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu quan điểm, việc quản lý dịch vụ đòi nợ thuê không phải là việc của ngành công an, nhiệm vụ chính của công an là giữ gìn an ninh trật tự, đem lại sự bình yên xã hội.

"Đòi nợ thuê là một lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do vậy, cần có những quy định cụ thể để đảm bảo cho họ quyền tự do kinh doanh, tuy nhiên, vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật", ông Nhưỡng nói.

Đại biểu Quốc hội lo ngại tính khả thi việc nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục, vì nhân viên đòi nợ mặc bộ đồng phục giống quân phục của công an, quân đội, đứng trước trụ sở DN hay gia đình cá nhân, sẽ ảnh hưởng không ít đến hoạt động kinh doanh, cuộc sống của khách nợ.

Thay vì nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục để phân biệt với "xã hội đen", ông Nhưỡng kiến nghị, Bộ Tài chính nên ban hành quy định tiêu chuẩn nhân viên thu nợ như viên tài chính ngân hàng và cần thiết áp dụng luật doanh nghiệp với hình thức kinh doanh này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn