MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Camera ghi hình hai nam thanh niên tạt sơn vào nhà người dân. Ảnh cắt từ video clip do camera ghi lại

Nhiều gia đình sợ bị trả thù nên không báo công an khi bị tạt chất bẩn đòi nợ

HỮU CHÁNH LDO | 22/05/2023 13:57
TP Hồ Chí Minh - Muôn kiểu đòi nợ "xã hội đen" như ném mắm tôm, tạt sơn bẩn, dùng bom xăng… khiến nhiều người sống trong bất an.

"Khủng bố" tinh thần để đòi nợ

Mới đây, Công an Quận 12 (TP Hồ Chí Minh) đã tạm giữ 3 đối tượng để điều tra về các hành vi Cố ý làm hư hỏng tài sản, Cưỡng đoạt tài sản và Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Trước đó, Nguyễn Văn Quân (32 tuổi, quê Bắc Giang) có cho chị N.T.L.P (trú Quận 12) mượn 13 triệu đồng. Chị P đã trả được tổng số tiền lãi và gốc là 11.250.000 đồng rồi không trả nữa.

Sau thời gian lãi mẹ cộng lãi con khiến số tiền còn thiếu lên đến 12.640.000 đồng. Nhiều lần đến tận nhà đòi tiền không được, Quân viết bậy lên tường nhà chị P để uy hiếp tinh thần, buộc gia đình của chị P và chị P trả nợ.

Vẫn không đòi được tiền, vào đầu tháng 5.2023, Quân thuê Phan Ngọc Sơn (22 tuổi, trú Quận 12) và Hoàng Xuân Du (18 tuổi, quê Bắc Kạn) mua sơn đến tạt sơn vào nhà chị P với tiền công là 1 triệu đồng.

Một thanh niên tạt sơn căn nhà ở Phường 1 (quận Gò Vấp) rạng sáng 9.3. Ảnh cắt từ video clip do camera ghi lại.

Trước đó, Công an quận Tân Bình đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Hồ Chí Minh khẩn trương truy xét, bắt giữ 3 đối tượng có hành vi tạt sơn vào nhà người dân nhằm gây sức ép buộc phải trả nợ vay quá hạn. 

Có thể thấy rằng, thủ đoạn tạt sơn, chất bẩn... của các đường dây cho vay nặng lãi gây bức xúc dư luận thời gian qua ở TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung nay càng thêm phức tạp và manh động, khiến người dân phải sống trong thấp thỏm, bất an.

Bị xử lý thế nào?

Trao đổi với Lao Động, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trên thực tế, việc ném chất bẩn để đe dọa, "khủng bố" người dân như nêu trên thì tùy tính chất, mức độ của hành vi có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.

Luật sư Quách Thành Lực viện dẫn, nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội… quy định, phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với các hành vi: ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác (điểm d, khoản 2, điều 5 nghị định 167). 

Ngoài ra, nếu bị hư hỏng tài sản, đồ đạc thì chủ nhà có quyền yêu cầu người ném chất bẩn vào nhà phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.

Nghiêm trọng hơn, hành vi ném chất bẩn vào nhà người khác có thể bị xử lí hình sự. Nếu hành vi đó gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội thì có thể bị khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng. 

  Một việc tương tự cũng xảy ra ở Bình Thuận vào năm 2021. Ảnh: CACC

Tuy nhiên, luật sư Lực cũng nhấn mạnh, để xử lý hình sự về hành vi này rất khó bởi phải chứng minh được các tình tiết như tổ chức chặt chẽ, tạt nhiều chất bẩn hoặc hành vi vi phạm gây kẹt xe, gây mất trật tự…

Ngoài ra, theo luật sư, với những vụ việc nêu trên còn ẩn chứa nhiều dấu hiệu của tội phạm, như tội cho vay lãi nặng (điều 201 Bộ luật Hình sự). 

Sau đó, các đối tượng dùng phương thức đòi nợ theo kiểu tín dụng đen là sử dụng các hành vi trái pháp luật, uy hiếp về tinh thần để đòi nợ.

"Dù xử phạt hành chính hay hình sự, điều kiện bắt buộc là phải bắt giữ được các đối tượng ném chất bẩn và chứng minh hành vi phạm tội" - luật sư Lực nói.

Thời gian qua, Công an TP Hồ Chí Minh đã vào cuộc, xử lý những trường hợp "khủng bố" tinh thần người dân. Theo luật sư Lực, đây là nỗ lực lớn của cơ quan chức năng trong ngăn ngừa, chặn đứng, dẹp bỏ các tổ chức tín dụng đen, vay nặng lãi, đòi nợ thuê.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn rất nhiều người dân liên tục bị tấn công, "khủng bố" một cách công khai và manh động.

Luật sư Lực cho rằng, quá trình điều tra và xử lý của chính quyền địa phương cùng các ban, ngành liên quan có nơi, có lúc chưa thật rốt ráo, chưa tạo được sự răn đe cần thiết.

Do đó, đối với những vụ việc như trên, các cơ quan chức năng cần quyết liệt vào cuộc hơn nữa nhằm kịp thời trấn áp tội phạm.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình vì sợ bị trả thù nên không trình báo cơ quan công an.

Đây cũng là 1 trong những lí do khiến nhiều vụ việc dù mức độ thiệt hại nghiêm trọng nhưng không thể giải quyết theo quy định pháp luật.

"Chỉ khi xử lí được các đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen thì may ra việc dùng chất bẩn để đòi nợ mới kết thúc" - luật sư Quách Thành Lực cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn