MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân ở xã H'đing phản ánh việc liên tục bị các đối tượng "đòi nợ thuê" gọi điện làm phiền mặc dù không mượn tiền hoặc bảo lãnh cho người khác vay mượn. Ảnh: Trung Dũng

Nhiều người ở Đắk Lắk không vay vốn, vẫn bị đòi nợ kiểu "khủng bố"

Tuấn - Dũng LDO | 13/05/2022 09:35

Đắk Lắk - Mặc dù nhiều người dân ở xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar không vay tiền hoặc bảo lãnh cho người khác vay mượn nhưng liên tục bị các đối tượng "đòi nợ thuê" gọi điện, nhắn tin quấy rồi suốt ngày đêm. Các đối tượng này đã gây áp lực cho người dân nơi đây phải trả nợ thay, hoặc tác động để người vay trả nợ.

Liên tục bị... "quấy rối"

Khoảng 4 tháng nay, thầy T., lãnh đạo một trường học ở xã Ea H’đing liên tục bị người của các công ty tài chính cho vay tiền qua mạng gọi điện, nhắn tin đòi nợ. Các đối tượng cho biết, đây là khoản nợ của người quen thầy T. và nhờ thầy tác động đòi giúp. 

Khi nghe máy, thầy T. đã giải thích và yêu cầu người đòi nợ nên đòi trực tiếp người vay. Tuy nhiên, các đối tượng đòi nợ không hề bận tâm mà vẫn liên tục quấy rối cả ngày lẫn đêm. Thầy T. chia sẻ: “Họ gọi điện bất kể ngày đêm, nói tôi đồng lõa, chạy nợ... Tôi chặn số này thì họ lập tức gọi lại bằng số khác. Điều này đã làm ảnh hưởng đến thời gian làm việc, nghỉ ngơi của tôi".

Mấy ngày qua, chị H., cũng ở xã Ea H'đing "mất ăn mất ngủ" vì bị các đối tượng tự xưng là người của tổ chức tín dụng liên tục gọi điện, nhắn tin. Các đối tượng này yêu cầu chị H. phải có trách nhiệm đối với khoản vay của một người bạn.

Chị H. cho biết, mỗi ngày chị nhận được rất nhiều cuộc gọi đòi nợ. Các cuộc gọi không có thời gian cố định mà bất kể giờ giấc nào trong ngày.

Do liên tiếp bị gọi điện, nhắn tin làm phiền nên chị H. đã chặn các số điện thoại vừa gọi. Thế nhưng, khi chặn số này, lập tức có số điện thoại lạ khác tiếp tục "quấy rối". Quá bức xúc, chị H. phải đăng thông tin lên mạng xã hội “kêu cứu”…

Chị H. than phiền: “Họ gọi điện, nhắn tin liên tục, từ sáng đến tối. Nhiều khi 12h đêm, 1h sáng vẫn gọi. Những đối tượng này gọi "cháy" cả máy luôn, có ngày gần cả trăm cuộc gọi. Giờ số điện thoại lạ gọi đến là mình không dám nghe nữa, phiền lắm. Họ gọi giống như xã hội đen, nói mình lừa đảo, thật sự rất là bức xúc”.

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, hiện nay, các app cho vay tiền online “mọc lên như nấm”. Chỉ cần gõ từ khóa “vay tiền online” trong vòng chưa đầy 1 giây sẽ hiện ra rất nhiều kết quả.

Để vay các app tín dụng này thủ tục khá đơn giản, nhanh gọn. Thường các app chỉ yêu cầu khách hàng cung cấp số điện thoại thì sẽ có người liên hệ làm hồ sơ cho vay. Sau một thời gian ngắn là người vay lập tức có tiền mà không cần đăng ký thế chấp, ký tá giấy tờ…

Ông Nguyễn Hữu Nhất - Chủ tich UBND xã H'đing xác nhận, trên địa bàn xã có một số người dân đã vay mượn tiền của các công ty tài chính. Họ vay bằng hình thức tín chấp, rồi cung cấp số điện thoại người quen cho công ty tài chính liên hệ. Tuy nhiên, đến thời điểm trả nợ, người ta (công ty tài chính - PV) đòi người vay không được thì quay sang đòi người có số điện thoại đã cấp cho họ. 

"Điều này gây phiền phức cho người dân vì họ không biết người quen có vay hay không và khoản vay là bao nhiêu. Thậm chí, có những trường hợp, người vay nói đã trả hết tiền rồi nhưng vài tháng sau các tổ chức tín dụng, công ty tài chính vẫn đòi và nói còn nợ quá hạn. Lúc này, người vay không đồng ý thì công ty tài chính, tổ chức tín dụng lại đi đòi vợ chồng, người thân, đồng nghiệp..." - ông Nhất cho biết.

Chị H. bị số điện thoại lạ gọi điện "quấy rối", làm phiền suốt đêm. Ảnh: Chị H. cung cấp

Cẩn trọng khi vay tiền qua app

Thực tế cho thấy, do cần giải quyết các nhu cầu cá nhân, người dân ở xã Ea H'đing ngại đến ngân hàng vì sợ thủ tục rườm rà nên đã vay tiền qua app. Khi thực hiện giao dịch, một số app buộc người vay phải cung cấp thông tin, số điện thoại người thân, bạn bè…

Tuy nhiên, khi người vay không trả nợ đúng hạn, thì lập tức bị người lạ liên tục nhắn tin, gọi điện đe dọa và uy hiếp để tác động để người vay, thậm chí nbạn bè, người thân trong gia đình để trả nợ. Điều đáng nói, một số đối tượng đòi nợ còn có hành vi đe dọa và có thái độ hung hãn.

Trước thực tế này, UBND xã H’đing đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đề cao cảnh giác, hết sức thận trọng khi sử dụng dịch vụ vay tiền online. Trước khi vay, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin, điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ rõ ràng...

"Khi bị các đối tượng nhắn tin, gọi điện thoại đòi nợ, quấy nhiễu, khủng bố, gây sức ép người dân nên báo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ, giải quyết” - lãnh đạo xã Ea H'đing khuyến cáo. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn