MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ quan điều tra Công an huyện Phú Xuyên đọc quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Thu Hiền. Ảnh: Công an cung cấp

Nhiều người tiếp tục sập bẫy lừa đảo “xin việc, chạy việc”

Hữu Chánh LDO | 27/02/2024 12:30

Thời gian qua, tình trạng các đối tượng “nổ” có nhiều mối quan hệ, có thể xin việc, chạy việc sau đó lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn ra tại nhiều địa bàn. Đây là thủ đoạn không mới, nhưng do mong muốn có việc làm ổn định, cộng với sự cả tin, nên không ít người dân đã “sập bẫy”, tiền mất, tật mang.

Sập bẫy lừa đảo

Ngày 26.2, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, đã ra quyết định truy nã đối với Phạm Hoàng Nam (sinh năm 1984, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo tài liệu điều tra, tháng 3.2018, anh Vương Hà (tên đã thay đổi) được giới thiệu Nam có khả năng giúp đỡ xin vào làm tại Bệnh viện Bạch Mai. Nam nói với anh Hà có người nhà làm ở Bộ Y tế và đang có 2 suất ngoại giao vào Bệnh viện Bạch Mai, mỗi suất 400 triệu đồng. Tin lời đối tượng, anh Hà đã chuyển tiền cho Nam. Cùng với đó, Nam cam kết sẽ trả lại đủ số tiền nếu không xin được việc. Tuy nhiên, đến hạn, Nam không xin việc được và không trả lại tiền cho anh Hà.

Căn cứ vào tài liệu điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hoàng Mai đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Hoàng Nam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, đối tượng đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hoàng Mai đã ra Quyết định truy nã đối với Phạm Hoàng Nam.

Hồi tháng 1.2024, Công an huyện Phú Xuyên, Hà Nội ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can và ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Thu Hiền (sinh năm 1970, trú xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Kết quả điều tra bước đầu xác định, năm 2021 và năm 2022, bị can Nguyễn Thị Thu Hiền lợi dụng là cán bộ, viên chức ngành y tế đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện Phú Xuyên nhận tiền của 5 bị hại, với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng để chạy vào viên chức ngành y tế và ngành giáo dục, sau đó chiếm đoạt tài sản.

Nâng cao cảnh giác

Có thể thấy, thủ đoạn chung của các đối tượng lừa đảo là tự “nổ” mình có các mối quan hệ lớn, quen biết với lãnh đạo, người nhà lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước... Mục đích là để khuếch trương thanh thế, tạo sự tin tưởng cho nạn nhân. Đáng chú ý, có cả những đối tượng đang là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước nhưng ham làm giàu bất chính nên vẫn thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.

Để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức “chạy việc”, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, Công an TP Hà Nội khuyến cáo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch nhu cầu tuyển công chức, viên chức, người lao động, từ việc hướng dẫn làm hồ sơ lý lịch, điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng, thủ tục đăng ký đến việc tổ chức thi tuyển, công bố kết quả thi tuyển.

Về phía người dân, khi có nhu cầu tìm việc làm, cần phải tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng của các cơ quan, ban, ngành, địa phương được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc đến tận nơi có nhu cầu tuyển dụng để tìm hiểu, không nên đặt niềm tin, giao tài sản cho các đối tượng trung gian để tránh trở thành “con mồi” của những kẻ lừa đảo.

Trong trường hợp phát hiện đối tượng nhận chạy việc có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể tố cáo với các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn. Mặt khác, người dân cũng cần nhận thức rõ việc chi các khoản tiền lớn để chạy việc, xin việc không chỉ ẩn chứa rủi ro về tiền bạc mà còn rủi ro về mặt pháp lý.

Trao đổi với Lao Động, luật sư Quách Thành Lực - Đoàn luật sư TP Hà Nội - cho biết, việc lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân để lừa “xin việc, chạy việc” rồi chiếm đoạt tiền là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, với số tiền chiếm đoạt từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng sẽ bị phạt tù từ 7 đến 15 năm. Với số tiền chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 12 đến 15 năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn