MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Trần Thị Cẩm Vân là kế toán trong nhóm "Anh em siêu nhân" đã lập hồ sơ khống để vận chuyển xăng lậu từ Vĩnh Long về Long An tiêu thụ. Ảnh: Hà Anh Chiến

Nhóm Anh em siêu nhân cắt dán hoá đơn điện tử tạo hồ sơ khống buôn xăng lậu

HÀ ANH CHIẾN LDO | 09/11/2022 15:42
Đồng Nai - Ngày 9.11, phiên tòa xét xử 74 bị cáo trong đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng ở các tỉnh phía Nam tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong nhóm “Anh em siêu nhân” đã giúp sức cho mắt xích quan trọng Lê Thanh Trung (39 tuổi, ngụ TP Cần Thơ) trong việc tiêu thụ phần lớn lượng xăng lậu của các ông trùm.

Tạo hoá đơn khống chuyển xăng lậu rồi tiêu huỷ sau khi xong việc

Trong nhóm "Anh em siêu nhân", Trần Minh Giang (37 tuổi, ngụ Vĩnh Long) là em họ của Trung được giao nhiệm vụ quản lý kho Nam Phong (tỉnh Long An), nhập xăng lậu từ các tàu của Nguyễn Hữu Tứ, xuất bán cho khách hàng. 

Theo cáo trạng, hằng ngày, Giang nhận thông tin đặt hàng trên nhóm “Anh em siêu nhân” từ Dũng và Vân rồi xuất xăng bán cho khách hàng, đến cuối ngày thì đối chiếu công nợ.

Ngoài ra, Giang còn được giao nhiệm vụ thu hồi hồ sơ tàu mà Vân làm giả cho các tàu Huỳnh Ngân, Sơn Tiền của ôm trùm Nguyễn Hữu Tứ khi giao nhận xăng xong, sau đó tự tiêu huỷ hoặc giao cho Vân tiêu huỷ. 

Bị cáo Trần Minh Giang, quản lý kho Nam Phong (tỉnh Long An) là em họ của Lê Thanh Trung tại phiên toà. Ảnh: Hà Anh Chiến

Tại phiên toà, Giang thừa nhận hành vi sai trái của mình.

Giang khai: “Tại kho Nam Phong, ngoài lượng xăng nhập lậu của Tứ bán cho các khách hàng được đánh mã số từ TK01 – TK06, thì kho Nam Phong còn có các nguồn xăng chính thống của Nhà nước nhập về từ kho xăng dầu Nhà Bè và kho xăng dầu Sài Gòn Petro Cát Lái và bị cáo cũng quản lý luôn". 

Còn bị cáo Trần Thị Cẩm Vân (35 tuổi, ngụ TP Cần Thơ) khai rằng, bản thân trước đây làm kế toán cho một công ty xăng dầu.  

Sau khi được Trung giao cho việc theo dõi tính toán toàn bộ việc mua bán xăng lậu tại kho Nam Phong, mỗi ngày, Vân đều lấy số liệu từ nhóm “Anh em siêu nhân”, chủ yếu từ bị cáo Dũng để hạch toán sổ sách. 

Ngoài ra, theo cáo trạng, tháng 8.2020, Vân được Trung giao thêm nhiệm vụ làm kế toán tại Công ty Phúc Thịnh.

Tại đây, Trung đã chỉ đạo Vân làm bộ hồ sơ tàu và xuất hoá đơn theo yêu cầu của Nguyễn Hữu Tứ gồm: Hoá đơn GTGT (hoá đơn điện tử), phiếu xuất kho, biên bản giao nhận hàng, biên bản niêm phong hàng hoá để vận chuyển xăng lậu từ nhà yến của Tứ ở tỉnh Vĩnh Long về kho Nam Phong ở tỉnh Long An, các thông tin ghi trên hoá đơn do Tứ cung cấp.

Việc in hoá đơn được Vân thực hiện bằng cách in một tờ hoá đơn điện tử của Công ty Phúc Thịnh – chinh nhánh Vĩnh Long rồi xuất cho Công ty Phúc Thịnh – chi nhánh Long An có chữ ký số đã đăng ký với cơ quan thuế rồi cắt dán, tẩy xoá, photo để làm giả một tờ hoá đơn khống giống như thật nhưng không có mã tra cứu hoá đơn. 

Số hoá đơn Vân làm giả tương ứng với số chuyến tàu chở xăng của Tứ chở từ Vĩnh Long về kho Nam Phong ở Long An, Vân khai đã làm giả khoảng 89 tờ hoá đơn VAT theo chỉ đạo của Trung, yêu cầu của Tứ. 

Về cáo buộc nêu trên, tại toà, Vân Khai: Ở Công ty Phúc Thịnh, Trung nói với bị cáo: “Do công ty mới, chưa có hoạt động gì nhiều thì em làm kế toán xuất hoá đơn cho công ty luôn và xuất về kho Nam Phong”.

Vân còn khai: “Công ty Phúc Thịnh có 3 chi nhánh tại Long An, Vĩnh Long và Cần Thơ, Vân đã làm  khoảng 80-90 bộ hồ sơ, hoá đơn khống nhưng không nhớ rõ chính xác bao nhiêu. Theo bị cáo Vân, việc xuất hoá đơn này chỉ là xuất hoá đơn nội bộ của Công ty từ Vĩnh Long về Long An. Việc bị cáo in hoá đơn điện tử rồi cắt dán chỉnh sửa là do bị cáo Trung chỉ đạo”.

Vân còn khai: "Biết bị cáo Tứ nhưng chỉ biết là đối tác của công ty, khi mới vô làm, anh Trung có nói anh Tứ là người chuyển hàng từ Vĩnh Long về Long An. Khi anh Tứ có nhu cầu chuyển hàng thì liên lạc để bị cáo làm hồ sơ, và sẽ có nhân viên của anh Tứ đến nhận hồ sơ”.

Hợp thức hoá vận chuyển xăng lậu từ Vĩnh Long về Long An

Theo cáo trạng truy tố, để hợp thức hóa việc vận chuyển xăng nhập lậu từ khu vực nhà nuôi yến đến kho Nam Phong, Tứ và Trung đã thỏa thuận sử dụng pháp nhân của Công ty TNHH TMDV XNK Phúc Thịnh do Trung thành lập nhằm hợp thức hóa hồ sơ chứng từ vận chuyển xăng nhập lậu để đối phó với các cơ quan chức năng khi bị kiểm tra. 

Ngoài ra, Trung điều động thêm các nhân viên đang làm việc tại các Công ty xăng dầu của Trung gồm: Nguyễn Hữu Hiền, Trần Thị Cẩm Vân, Nguyễn Tiến Dũng cùng với Trần Minh Giang thực hiện quản lý toàn bộ số liệu nhập, xuất và thông tin khách hàng mua xăng nhập lậu tại kho Nam Phong. 

Để phục vụ cho việc quản lý, chốt số liệu hằng ngày, Trung trang bị cho Dũng, Vân, Giang 3 điện thoại iPhone 8 Plus và yêu cầu Dũng cài đặt sẵn ứng dụng WhatsApp cho từng máy để Dũng, Vân, Giang thực hiện công việc theo sự chỉ đạo của Trung.

Dũng đã tạo nhóm chat “Anh em siêu nhân” trên ứng dụng WhatsApp gồm Dũng, Vân, Giang do Dũng làm Trưởng nhóm để trao đổi công việc nhập, xuất xăng nhập lậu theo sự chỉ đạo của Trung.

Ngoài số tiền lương theo hợp đồng, mỗi tháng, Trung trả thêm cho mỗi người từ 35 triệu đồng đến 60 triệu đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn