MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đối tượng Lục Minh Hải khi bị cơ quan công an bắt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dân qua điện thoại. Ảnh: T.L

Nhức nhối nạn mạo danh cơ quan công quyền lừa đảo tài sản qua điện thoại

Trường Sơn LDO | 01/03/2018 12:58

Sau một thời gian tạm lắng bởi sự vào cuộc cảnh báo của các cơ quan chức năng và các phương tiện truyền thông thì gần đây nạn mạo danh cơ quan công quyền đe dọa, lừa đảo tài sản người dân qua điện thoại đang có biểu hiện phức tạp trở lại. Với phương thức và thủ đoạn tinh vi hơn trước, bọn tội phạm công nghệ cao này đã khiến nhiều nạn nhân phải mất đi số tiền rất lớn, gây bất an trong xã hội cũng như gây tổn hại uy tín của các cơ quan công quyền.

Yêu cầu mở tài khoản để “chứng minh trong sạch”

Theo đánh giá của Công an TPHCM, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua điện thoại VOIP mạo danh điều tra viên, cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án sau thời gian tạm lắng xuống thì gần đây có dấu hiệu phức tạp trở lại. Các đối tượng có sự thay đổi phương thức, thủ đoạn. Cụ thể, đối tượng yêu cầu bị hại chuyển tiền vào các tài khoản của các cá nhân ở các tỉnh, thành phố khác (không chuyển vào tài khoản và rút tiền tại TPHCM như trước đây). Số tiền sau khi đe dọa nạn nhân chuyển về số tài khoản do mình chỉ định, chúng rút tiền mặt hoặc sử dụng Internet Banking do các ngân hàng cung cấp chuyển tiền sang tài khoản khác rồi sau đó mới rút ra để qua mặt sự nghi ngờ của nạn nhân, nhân viên ngân hàng cũng như để xóa dấu vết hành vi phạm tội.

Theo cơ quan chức năng, do có sự thay đổi về phương thức lừa đảo ngày càng tinh vi hơn nên nhiều nạn nhân đã dính phải chiêu lừa đảo mới này. Vào cuối tháng 1 vừa qua, cơ quan chức năng nhận được đơn của nạn nhân tên N.T.T.B (ngụ huyện Bình Chánh) tố cáo hành vi lừa đảo của một nhóm đối tượng mạo danh công an để lừa đảo, lấy đi của mình số tiền hơn 1 tỉ đồng. Theo đó, vào ngày 22.1, bà B bị một nhóm các đối tượng thông qua điện thoại tự xưng là người của cơ quan điều tra, đang điều tra một vụ án trong đó bà B là người có liên quan. Để “phối hợp điều tra”, “điều tra viên” này yêu cầu bà B đến một phòng giao dịch của một ngân hàng trên địa bàn quận 8 mở tài khoản đứng tên của bà và đăng ký sử dụng dịch vụ Internet Banking bằng số điện thoại do đối tượng lừa đảo cung cấp. Sau khi bà B hoàn thành việc đăng ký, các đối tượng lừa đảo yêu cầu nạn nhân phải cung cấp số tài khoản, tên chủ tài khoản, mã kích hoạt... và chuyển hơn 1 tỉ đồng vào tài khoản mới mở ở ngân hàng trên. Có được những thông tin từ nạn nhân, ngay chiều cùng ngày, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng dịch vụ Internet Banking do bà B đăng ký để chuyển tiền sang các tài khoản ngân hàng khác rồi chiếm đoạt.

Hay như trường hợp của nạn nhân là bà H.T.N.T (ngụ quận Bình Thạnh), bọn tội phạm liều lĩnh này cũng sử dụng thủ đoạn tương tự. Theo đơn trình báo, vào ngày 17.1, bà có nhận được cuộc điện thoại từ số máy cố định thông báo bà đang có bưu phẩm tại ngân hàng Y và yêu cầu bà phải thanh toán số tiền hơn 16 triệu đồng ngay trong ngày, nếu không sẽ trừ tiền của bà vào tài khoản tại bất cứ ngân hàng nào. Khi bà T phản đối, nói không quen ai gửi bưu phẩm qua ngân hàng thì các đối tượng lừa đảo kết nối máy đến các đối tượng giả danh cán bộ công an và sử dụng các kịch bản lừa đảo cũ như trước đây để yêu cầu bà T phải chuyển hơn 96 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng lừa đảo tại một phòng giao dịch ngân hàng tại tỉnh Quảng Ninh rồi chiếm đoạt. Không chỉ dùng các cuộc điện thoại VOIP giả lập các số điện thoại của các cơ quan công quyền, các nhóm tội phạm dạng này còn nhắn tin hoặc gọi điện thoại vào số di động của nạn nhân thông báo khách hàng nợ cước điện thoại và sử dụng các kịch bản lừa đảo chiếm đoạt tài sản như trên.

Cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo mới

Qua nhiều vụ việc được người dân trình báo, Công an TPHCM nhận định, hiện nay các đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn này thường mở tài khoản và rút tiền tại khu vực các tỉnh biên giới phía Bắc như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh hoặc cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Lý do là để có thể nhanh chóng tẩu thoát sang bên kia biên giới khi bị lực lượng công an phát hiện. Nhiều trường hợp các đối tượng sử dụng thẻ ngân hàng (thẻ ghi nợ) để rút tiền do lừa đảo mà có ở nước ngoài.

Đáng lưu ý, thời gian qua đã xuất hiện phương thức, thủ đoạn mới như sau khi thông tin về việc bị hại có liên quan đến đường dây tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, rửa tiền mà cơ quan công an đang tiến hành điều tra và dò hỏi các thông tin về tài khoản ngân hàng, tiền gửi tại các ngân hàng của bị hại có liên quan đến đường dây tội phạm. Thủ đoạn mới là đối tượng lừa đảo (giả danh công an) sẽ yêu cầu bị hại đến ngân hàng để mở thêm một tài khoản đứng tên của chính người bị hại; đồng thời, đăng ký dịch vụ Internet Banking cho tài khoản mà mình đã mở bằng số điện thoại do chúng cung cấp. Đối tượng lừa đảo yêu cầu bị hại chuyển hoặc nộp tiền vào tài khoản vừa mở với lý do cần kiểm tra, xác minh, giám định số tiền này có liên quan đến đường dây tội phạm hay không và giám sát tài khoản này của bị hại. Sau đó, đối tượng yêu cầu bị hại cung cấp toàn bộ tên đăng nhập (username), mã kích hoạt, mật khẩu (password) của tài khoản Internet Banking vừa mở. Các đối tượng sử dụng thông tin do bị hại cung cấp đăng nhập chuyển tiền sang tài khoản khác bằng Internet Banking.

Với phương thức thủ đoạn trên, các đối tượng làm cho bị hại nghĩ rằng tiền vẫn trong tài khoản đứng tên mình nên dẫn đến mất cảnh giác. Mặt khác, đối với các nhân viên của các ngân hàng khi khách hàng đến giao dịch chuyển/nộp tiền vào tài khoản của chính khách hàng nên nghĩ rằng không phát sinh vấn đề lừa đảo, từ đó không biết để cảnh báo cho khách hàng về nguy cơ bị lừa đảo.

Một phương thức thủ đoạn mới khác mà đối tượng lừa đảo gần đây đã sử dụng là gọi vào điện thoại bàn thông báo bị hại đang có bưu phẩm tại một ngân hàng và yêu cầu phải đóng phí gửi bưu phẩm nếu không sẽ bị trừ tiền tại bất cứ tài khoản ngân hàng nào của bị hại. Khi bị hại phản ứng, đối tượng lừa đảo sẽ chuyển máy kết nối đến các đối tượng giả danh cán bộ công an đang điều tra các vụ án ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia... như kịch bản cũ.

Tham gia nhóm mạo danh công an lừa đảo người dân, lãnh 12 năm tù

Cuối tháng 1 vừa qua, TAND TPHCM đã tuyên phạt Lục Minh Hải (31 tuổi, quê Đồng Nai) 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra, Hải có quen biết với nhóm người Trung Quốc và được nhóm này nhờ làm giúp 2 thẻ ngân hàng có dịch vụ Internet Banking. Hải làm 2 thẻ rồi bán lại cho nhóm này với giá 1,5 triệu đồng/thẻ. Ngoài ra, Hải còn mua thêm 2 thẻ khác rồi bán cho nhóm này, thu lợi 6 triệu đồng. Giữa tháng 7.2016, có nhóm người gọi điện thoại đến 2 người ở TPHCM tự xưng là Công an TP. Hà Nội và yêu cầu 2 cá nhân này chuyển số tiền gần 3,2 tỉ đồng vào các số tài khoản do mình chỉ định để chứng minh là tiền sạch, nếu không phải là tiền phạm tội sẽ trả lại trong vòng 24h. Sau khi nhận được tiền, nhóm người này chiếm đoạt. Qua điều tra, thông qua tài khoản của Hải, nhóm lừa đảo trên đã rút ra 890 triệu đồng của 2 nạn nhân nói trên rồi cao chạy xa bay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn